Ngày 10/4, tại Chùa Cải Đan thuộc thị xã Sông Công, tỉnh Thái Nguyên, Đại lễ đặt long cốt Tam bảo mở đầu cho việc phục dựng, trùng tu Chùa Cải Đan đã được tổ chức trọng thể dưới sự chủ trì của Trung ương Giáo hội Phật giáo tỉnh Thái Nguyên.
Chùa Cải Đan là ngôi chùa cổ có niên đại cách đây hơn 300 năm. Chùa được xây dựng để thờ Cao Sơn Quý Minh Đại Vương Thần - Phò mã lang Triều Lý là tướng Dương Tự Minh từ thế kỷ thứ 12 đã có công lớn trong cuộc kháng chiến chống giặc Tống xâm lược.
Trong những năm trước Cách mạng tháng Tám, Chùa Cải Đan là nơi hoạt động của du kích địa phương, góp phần tạo nên thành công của Cách mạng tháng Tám trên quê hương Thái Nguyên. Trải qua thời gian dài, Chùa Cải Đan bị xuống cấp nặng cần phải phục dựng, trùng tu lại.
Phần thiết kế phục dựng Chùa do Cục Di sản Văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phụ trách. Theo đó, Chùa được xây dựng dựa trên kiến trúc phương Đông, gồm tám mái và 16 đao cong. Chùa ngự trên lưng một quả đồi có hình mai rùa, hướng nhìn về phía tây nam.
Lễ hội Chùa Cải Đan được mở vào ngày 11 tháng giêng hàng năm, gồm có phần lễ và phần hội. Phần lễ cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, cầu được mùa Phần hội bao gồm các trò chơi dân gian như cờ người, đánh vật, kéo co và các trò chơi hiện đại.
Theo thiết kế, ngôi Tam Bảo được xây dựng trên diện tích gần 500m² và nằm trong khuôn viên của Chùa với tổng số tiền đầu tư trên 10 tỷ đồng, chủ yếu do các doanh nghiệp, nhà hảo tâm, các Phật tử và khách thập phương đóng góp.
Ngoài ra, các hạng mục khác như ngôi Tổ Đường, khu vực Khánh Tăng, giảng đường giảng dạy giáo lý đạo Phật cho tăng ni, phật tử cũng đang được tiếp tục triển khai xây dựng.
Dự kiến, đến cuối năm 2014, tất cả các hạng mục công trình sẽ hoàn thành.