Công viên địa chất Đồng Văn cần tạo ra động lực phát triển
Cập nhật: 15/04/2013
Đây là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân tại Lễ công bố Quy hoạch tổng thể Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn giai đoạn 2012-2020, tầm nhìn 2030.

Cao nguyên đá Đồng Văn, tỉnh Hà Giang, được UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu vào tháng 10/2010. Từ đó đến nay, lượng du khách đến Hà Giang đã tăng đáng kể từ 300.000 lượt khách năm 2010 lên 400.000 lượt người vào năm 2012. Riêng trong 3 tháng đầu năm 2013, Hà Giang đã đón hơn 140.000 lượt khách.

Kết quả này đã thu hút nhiều doanh nghiệp lữ hành đến khai thác tour, tuyến, điểm du lịch tại Hà Giang. Đặc biệt, qua các chương trình thông tin, truyền thông giáo dục, ứng xử của người dân địa phương đối với di sản của nhân loại đã được nâng lên. Người dân đang tiếp cận cách thức tạo thu nhập từ di sản một cách bền vững thông qua việc cung cấp các dịch vụ du lịch.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, Quy hoạch tổng thể Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn giai đoạn 2012-2012, tầm nhìn 2030 có ý nghĩa rất quan trọng trong việc bảo tồn phát triển Cao nguyên đá  Đồng Văn. Việc xây dựng Quy hoạch còn thể hiện cam kết của Việt Nam với thế giới trong việc giữ gìn và bảo tồn di sản, đồng thời tạo cơ sở pháp lý cho việc phát triển khu vực này. Đây cũng là động lực phát triển cho Hà Giang nói riêng và các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc nói chung.

Phó Thủ tướng cũng biểu dương tỉnh Hà Giang, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Trường Đại học Quốc gia Hà Nội, các nhà khoa học… đã nỗ lực trong quá trình xây dựng Quy hoạch.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng cho rằng để Quy hoạch thực sự đi vào cuộc sống, để giá trị độc đáo của di sản được bảo tồn và phát huy, Hà Giang cần phải nỗ lực nhiều hơn, quyết tâm cao hơn nữa.

Với tinh thần đó, Phó Thủ tướng đề nghị tỉnh Hà Giang cần khẩn trương phổ biến Quy hoạch sâu rộng đến chính quyền các cấp, ngành, tầng lớp nhân dân trong tỉnh và cả nước nhằm tạo sự đồng thuận và quyết tâm cao, thực hiện tốt Quy hoạch, phát huy vai trò giám sát thực hiện Quy hoạch; phối hợp với các Bộ, ngành liên quan để xây dựng chính sách đầu tư, giám sát chặt chẽ theo đúng Quy hoạch đã phê duyệt.

“Tôi đề nghị các nhà khoa học, tổ chức quốc tế tiếp tục nghiên cứu khảo sát bổ sung làm giàu thêm các giá trị, hỗ trợ công tác bảo tồn khai thác, quảng bá giới thiệu Cao nguyên đá Đồng Văn”, Phó Thủ tướng nói.

Theo Quy hoạch tổng thể, Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn được chia thành 3 vùng bảo tồn tương ứng với 3 công viên chức năng gồm: Công viên khoa học địa chất; Công viên địa văn hóa; Công viên sinh thái gắn với bảo tồn đa dạng sinh học và 4 trung tâm du lịch.

Mục tiêu của Quy hoạch nhằm bảo tồn tôn tạo các di sản (địa chất, văn hóa, đa dạng sinh học) với các chỉ tiêu: 100% các điểm di sản địa chất đã được phát hiện, các điểm danh thắng quốc gia được tôn tạo và bảo vệ; 15 dân tộc bản địa và các làng văn hóa du lịch, các làng nghề của 4 huyện (gồm Đồng Văn, Quản Bạ, Yên Minh và Mèo Vạc) được bảo tồn và tôn tạo; 100% khu vực bảo tồn thiên nhiên, khu vực sinh thái núi cao được bảo vệ.

Dự kiến đến năm 2020, đưa vào khai thác các di sản trong công viên địa chất trên cơ sở phát triển du lịch với sự tham gia của người dân bản địa nhằm xóa đói giảm nghèo. Đưa hoạt động du lịch chiếm 65% cơ cấu kinh tế toàn vùng.

 

chinhphu.vn