Ngày 22-4, tại TP Long Xuyên (An Giang), Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức Hội thảo thực trạng và giải pháp phát triển nguồn nhân lực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Với thế mạnh về du lịch sông nước, biển, đảo, miệt vườn và du lịch tâm linh, năm 2012, ĐBSCL đã đón 20 triệu khách du lịch, trong đó có khoảng 1,6 triệu khách quốc tế, doanh thu toàn ngành du lịch khu vực ĐBSCL năm 2012 đạt 4.344 tỷ đồng. Trong đó, Kiên Giang và An Giang là những tỉnh thu hút số du khách đông nhất với trên ba triệu du khách.
Song song với việc thu hút du khách, các tỉnh ĐBSCL cũng đã phát triển mạnh mẽ hệ thống cơ sở lưu trú, nhất là các điểm tham quan đẹp như Phú Quốc (Kiên Giang), Châu Đốc (An Giang)… Tuy nhiên, đội ngũ cán bộ, nhân viên hoạt động trực tiếp, gián tiếp trong ngành du lịch trong khu vực chỉ dao động khoảng 2.000 người, trong đó mới khoảng 80% qua đào tạo từ cơ bản đến nâng cao.
Điều đáng lo ngại là các doanh nghiệp kinh doanh du lịch trong vùng lại không quan tâm nhiều đến việc hỗ trợ, đào tạo nhân viên để nâng cao năng lực. Cán bộ, nhân viên các cơ quan quản lý du lịch vùng vẫn chưa có cơ chế hỗ trợ, giữ chân…người giỏi, dẫn đến thiếu hụt đội ngũ cán bộ quản lý chất lượng cao.
Nhiều vấn đề về: định hướng, đề xuất giải pháp phát triển nguồn nhân lực như: Đầu tư nâng cấp trang thiết bị dạy nghề du lịch cho các trường du lịch, bộ môn du lịch tại các trường cao đẳng, đại học trong vùng; đa dạng hóa các phương thức đào tạo, ngắn, trung, dài hạn, liên kết đào tạo, tập huấn và chuyên sâu; nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ quản lý các địa phương; đổi mới, tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nguồn nhân lực; đổi mới chương trình đào tạo, nghiên cứu đặc trưng văn hóa, đặc điểm, thế mạnh kinh tế, xã hội, tiềm năng phát triển du lịch vùng.
Nhiều ý kiến nhấn mạnh, điều quan trọng nhất là Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ, đãi ngộ riêng nhằm thu hút đội ngũ cán bộ, nhân viên giỏi. Riêng các doanh nghiệp cần có những cơ chế đãi ngộ, khuyến khích, hỗ trợ trong đào tạo đội ngũ nhân viên phục vụ du lịch vùng.