(TITC) - Nhân lực ngành du lịch nói riêng và các ngành kinh tế khác nói chung ở nước ta vẫn đang bị coi là yếu và thiếu. Do vậy, công tác định hướng các kỹ năng, kinh nghiệm thực tế đối với sinh viên, học sinh ngay từ trong trường học được coi là một vấn đề cấp thiết để đáp ứng tốt những yêu cầu thực tế của công việc.
Ngày 25/4/2013, tại Tổng cục Du lịch đã tổ chức buổi thảo luận lần thứ 2 của nội dung Điều tra nhân lực và đánh giá nhu cầu đào tạo du lịch do nhóm chuyên gia thuộc dự án EU thực hiện. Tới dự buổi thảo luận có Phó Tổng cục trưởng Hoàng Thị Điệp, đại diện lãnh đạo các Vụ chức năng TCDL, Vụ Đào tạo (Bộ VHTTDL), Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội, Viện Đại học Mở Hà Nội; về phía dự án EU có sự tham gia của Giám đốc Dự án EU Vũ Quốc Trí và các chuyên gia thuộc nhóm nghiên cứu…
Mục tiêu của dự án Điều tra nhân lực và đánh giá nhu cầu đào tạo du lịch là cập nhật bản đánh giá nhu cầu giáo dục & đào tạo nghề và phát triển nguồn nhân lực cho ngành Du lịch – để triển khai nghiên cứu Phát triển Nguồn Nhân lực Quốc gia, là cơ sở để xuất bản Chiến lược Phát triển Nguồn nhân lực – phiên bản cập nhật.
Tại buổi thảo luận, các chuyên gia đề xuất sẽ gửi tất cả các phiếu điều tra cùng với thư, lời giới thiệu của TCDL tới các Sở VHTTDL, các doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực dịch vụ du lịch và chú trọng, dành sự ưu tiên cho việc khai thác thông tin từ các cấp quản lý. Trong quá trình thu thập dữ liệu cần sử dụng các phương pháp khác nhau để thu thập thông tin từ các ngành, nhóm thuộc khu vực công khác nhau thông qua bảng hỏi qua đường bưu điện, điều tra trực tuyến, bảng hỏi sâu và phỏng vấn tại các doanh nghiệp, đồng thời phân tích số liệu thứ cấp. Sau khi thu thập được số liệu, dự án EU sẽ thực hiện phân tích có sự tham vấn của TCDL và tổng hợp báo cáo.
Trọng tâm của chương trình điều tra đánh giá nhu cầu đào tạo du lịch là tập trung vào các nội dung: Cấu trúc việc làm hiện nay; Hồ sơ nhân sự hiện có so với chương trình giáo dục, đào tạo; Đầu tư vào đào tạo; Nhu cầu kỹ năng của nhân viên hiện nay; Những lỗ hổng về kỹ năng của nhân viên hiện nay; Những lỗ hổng về kỹ năng của sinh viên các trường trung học, đại học du lịch sau khi tốt nghiệp; Sự biến động nhân sự và tuyển dụng; Các tiêu chí tuyển dụng; Nhu cầu, lỗ hổng kỹ năng trong tương lai…
Trong buổi họp lần thứ 2 này, nhóm chuyên gia đã đưa ra danh sách các tỉnh sẽ tiến hành phỏng vấn được rút gọn còn 11 tỉnh thay vì 17 tỉnh như buổi họp trước. Theo đó, các khách sạn và công ty du lịch thuộc các tỉnh Hà Nội, Lào Cai, Hà Giang, Quảng Ninh, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Khánh Hòa, Lâm Đồng, TP. HCM, Cần Thơ sẽ được tiến hành phỏng vấn trực tiếp.
Trong buổi thảo luận, đại điện các Vụ chức năng của TCDL, Sở VHTTDL Hà Nội, trường cao đẳng, đại học chuyên về du lịch đều cam kết ủng hộ, tạo điều kiện cho dự án trong các hoạt động thu thập thông tin để nhóm chuyên gia nghiên cứu, phân tích.
Nhiều đại biểu cho rằng, nhóm chuyên gia nên liên hệ, điều tra thông tin tại những khu vực du lịch mới nổi để nhìn ra xu hướng nhu cầu nhân sự thay cho những địa phương đã có nền tảng của sự phát triển du lịch; Cần có một cuốn sách hướng dẫn các thao tác, công đoạn của tiến trình điều tra cho các nhà trực tiếp tập huấn điều tra tại địa phương…
Phát biểu kết luận tại buổi thảo luận, Phó Tổng cục trưởng Hoàng Thị Điệp cho biết, TCDL đã giao Vụ Tổ chức Cán bộ làm đầu mối thực hiện các công việc điều tra với nhóm chuyên gia bên dự án EU, đồng thời cũng đã yêu cầu các vụ khác cùng phối hợp hợp tác thực hiện. Bà cũng cam kết, lãnh đạo Tổng cục sẽ ủng hộ, tạo điều kiện cử cán bộ đã được tập huấn về kỹ năng thu thập dữ liệu tới các địa phương, phối hợp với các Sở VHTTDL để hướng dẫn triển khai công tác điều tra...
Hương Lê