Cuốn sách hướng dẫn về Di sản thế giới Mỹ Sơn tại Quảng Nam là một trong những thành công lớn của dự án “Quảng bá du lịch bền vững tại các khu Di sản thế giới miền Trung Việt Nam” sau 1 năm thực hiện.
Cuốn sách được làm mô phỏng theo hình dáng của loại gạch Chăm đặc biệt sử dụng trong các công trình xây dựng tại khu đền tháp Mỹ Sơn, với các trang được cắt lượn miêu tả địa hình của vùng thung lũng Mỹ Sơn.
Cuốn sách độc đáo này và những thông tin đặc sắc về giá trị của các di sản khu vực miền Trung, các đặc trưng văn hóa truyền thống của cộng đồng sinh sống trong và xung quanh khu vực di sản đã được hãng Hàng không Asiana (Hàn Quốc) quảng bá trên các chuyến bay của hãng trên khắp thế giới.
Dự án này do Hãng hàng không Asiana Airlines (Hàn Quốc) tài trợ, chính thức khởi động vào tháng 5/2012, thông qua Văn phòng UNESCO tại Hà Nội và Ủy ban Quốc gia UNESCO Hàn Quốc.
Dự án gồm 2 hợp phần là quảng bá các khu di sản tại miền Trung, lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng công cộng sử dụng năng lượng mặt trời, đã góp phần tăng cường quảng bá giá trị của các khu di sản ở miền Trung một cách sáng tạo và bền vững.
Ngoài ấn phẩm về Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn, một cuốn sách khác cũng được xuất bản nhằm cung cấp thông tin kết nối giữa 4 khu di sản thế giới tại miền Trung là phố cổ Hội An, khu di tích Mỹ Sơn, quần thể di tích Cố đô Huế và Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng trong một hành trình di sản.
Dự án đã nâng cấp điểm bán vé tham quan tại số 10 Nguyễn Huệ (thành phố Hội An) thành Trung tâm thông tin du khách nhiều tiện ích, hỗ trợ lắp đặt 40 đèn chiếu sáng công cộng sử dụng năng lượng mặt trời tại phố cổ Hội An, khu đền tháp Mỹ Sơn, đảo Cù Lao Chàm và Cố đô Huế…
Các hợp phần này của dự án được chính quyền địa phương đánh giá là có ý nghĩa rất lớn trong việc liên kết các khu di sản, tạo điểm nhấn về cụm điểm đến di sản miền Trung. Đồng thời, góp phần bảo vệ môi trường, khuyến khích năng lượng tái tạo, phù hợp với chủ trương phát triển các đô thị di sản theo hướng bền vững.
Các khu di sản thế giới, từ những cảnh quan kỳ vĩ tuyệt tác của thiên nhiên tới khu phố cổ sống động, công trình văn hóa kiến trúc đồ sộ đã và đang khiến dải đất miền Trung, đặc biệt là Quảng Nam trở thành một điểm du lịch nổi bật.
Năm 2012, Quảng Nam đón hơn 2,8 triệu lượt khách du lịch tới tham quan, thu nhập từ du lịch đạt 3.235 tỷ đồng, tăng 29,7% so với năm 2011.
Đây cũng là năm mà Tạp chí Wanderlust của Anh đã bình chọn Hội An là thành phố được yêu thích nhất trên thới giới; Tạp chí du lịch nổi tiếng Conde Nast Traveler của Mỹ bình chọn phố cổ Hội An vào danh sách 10 thành phố du lịch tốt nhất châu Á…
Cùng với đô thị cổ Hội An, khu di tích Mỹ Sơn, khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm cũng đang là mắt xích quan trọng trong việc phát triển “tam giác vàng di sản” ở Quảng Nam.
Tuy nhiên, theo bà Katherine Muller-Marin, Trưởng Đại diện Văn phòng UNESCO tại Hà Nội, để tận dụng các tác động tích cực do du lịch mang lại, các bên liên quan cần nỗ lực hơn nữa trong việc quảng bá, truyền tải những giá trị của di sản, khuyến khích công chúng, trong đó có khách du lịch cùng tham gia bảo tồn di sản.
“Việc ghi danh vào danh sách di sản thế giới chỉ là bước đầu trong nỗ lực gìn giữ các tài sản vô giá này cho tương lai. Bảo tồn và quảng bá giá trị di sản là công việc lâu dài, đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ, sự tham gia của cộng đồng và chính quyền địa phương, các ban quản lý và khối doanh nghiệp. Kết quả quan trọng nhất của dự án Quảng bá du lịch bền vững tại các khu Di sản thế giới miền Trung là đã tạo bước đi đầu tiên, xây dựng cam kết vững chắc cho mối quan hệ đối tác công-tư trong quảng bá di sản thế giới...”, bà Katherine Muller-Marin nói.
Ông Lim Huyn Mok, Phó Tổng thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO Hàn Quốc cũng cho rằng, dự án Quảng bá du lịch bền vững tại các khu Di sản thế giới miền Trung là hình ảnh tiêu biểu cho các dự án hợp tác chặt chẽ giữa UNESCO với doanh nghiệp, nhằm hoàn thiện cấu trúc hạ tầng khu vực để thu hút du lịch bền vững tới các vùng di sản thế giới và đưa lợi ích đến cho chính người dân tại khu vực.
Ông Lim Huyn Mok cũng cho biết Ủy ban Quốc gia UNESCO Hàn Quốc sẽ nỗ lực hơn nữa để hỗ trợ cải thiện cấu trúc hạ tầng du lịch cho các khu di sản văn hóa UNESCO.
Về phía tỉnh Quảng Nam, ông Trần Minh Cả, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam đề nghị các cơ quan quản lý di sản tiếp tục thực hiện việc duy trì kết quả của dự án, đồng thời tỉnh sẽ có các giải pháp và nguồn lực để triển khai các công việc tiếp theo.
Ông Trần Minh Cả cũng đề nghị đơn vị tài trợ và UNESCO tiếp tục hỗ trợ các di sản Quảng Nam và miền Trung, các địa phương miền Trung phối hợp với Quảng Nam tạo tuyến du lịch di sản có chất lượng tốt và bền vững.