Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Văn Đọc vừa gửi thư cho lãnh đạo huyện Đông Triều, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Quảng Ninh và Công ty CP Du thuyền Đông Dương khen ngợi về mô hình du lịch trải nghiệm làng quê tại Yên Đức (Đông Triều) của doanh nghiệp này.
Lý do Chủ tịch UBND tỉnh khen do đây là sản phẩm du lịch mới, độc đáo, góp phần quảng bá hình ảnh làng quê Việt Nam; đặc biệt là kết nối được các tour khách quốc tế đến tham quan Vịnh Hạ Long.
Công ty CP Du thuyền Đông Dương là một doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đưa đón khách tham quan và nghỉ đêm trên Vịnh Hạ Long. Mô hình du lịch trải nghiệm làng quê Yên Đức của doanh nghiệp này được phát triển, đưa vào khai thác từ cuối năm 2011. Đến đây tham quan, du khách sẽ được xem, tham gia vào các công việc thường ngày của nhà nông, ngắm cảnh đồng quê, nghe hát chèo, chơi các trò chơi dân gian… Trước khi xây dựng mô hình này, Công ty CP Du thuyền Đông Dương đã tìm tòi hướng đi riêng, tạo ra các sản phẩm du lịch mới trên Vịnh Hạ Long. Đã có những dự án không thành như việc tổ chức cho du khách tham quan kết hợp trồng rừng ngập mặn tại ven một số đảo trên Vịnh Hạ Long nhưng cũng có những dự án thành công như việc tổ chức đưa khách tham quan các làng chài bằng thuyền nan…
Thực ra, việc tổ chức các tour du lịch trải nghiệm làng quê như ở Yên Đức đã được nhiều doanh nghiệp làm du lịch ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước triển khai từ lâu. Phát triển sớm nhất là các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long với các dịch vụ như: tát cá, câu cá, bơi thuyền trong các kênh rạch, nghe hát đàn ca tài tử ngay bên kênh. Tại Hội An (Quảng Nam), tour “Một ngày làm nông dân” ra đời từ năm 1999. Tại đây, du khách sẽ được trải nghiệm tự tay gánh nước, cuốc đất, trồng rau và dịch vụ này đã và đang hấp dẫn du khách. Mô hình du lịch trải nghiệm tiếp tục phát triển tại các tỉnh Ninh Bình, Hà Nội. Tại Hải Phòng, tour đạp xe ngắm cảnh làng quê cũng đã được các doanh nghiệp du lịch phát triển từ hai, ba năm trước.
Đối với Hạ Long, tour du lịch trải nghiệm làng quê như ở Yên Đức rất cần được khuyến khích, nhân rộng. Lý do: Các sản phẩm du lịch của Hạ Long nói riêng, Quảng Ninh nói chung đến nay vẫn khá nghèo nàn. Đặc biệt, đây sẽ là cách để giãn, giảm tải khách cho di sản Hạ Long. Cho đến nay, du khách đến Hạ Long phần lớn vẫn là hành trình đơn điệu đi tàu, lên hang động, bãi tắm ngắm cảnh rồi… về. Việc mật độ du khách tập trung cao tại các hang động lâu dài sẽ tác động tiêu cực tới môi trường, địa hình, địa chất tự nhiên và sự sinh tồn của các động, thực vật trong hang. Tại di sản thế giới Angkor Wat (Campuchia), để cân bằng giữa bảo tồn và khai thác du lịch, cơ quan quản lý di tích đã phải hạn chế số lượng người vào tham quan nơi này.
Một vài năm trở lại đây, một số doanh nghiệp làm du lịch tại Hạ Long đã cố gắng tìm tòi các sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn như dù bay, câu cá, lặn biển, một ngày làm ngư dân… Tuy nhiên, cách làm vẫn nhỏ lẻ, nên chưa phát triển được để hấp dẫn du khách. Trong khi đó, tiềm năng du lịch trải nghiệm ở Quảng Ninh rất phong phú như làng nghề đan lát ngư cụ Nam Hoà (Quảng Yên), làng nghề gốm sứ (Đông Triều), các làng, bản dân tộc thiểu số như Bằng Cả (Hoành Bồ) hay các đảo Quan Lạn, Minh Châu (Vân Đồn), Cô Tô.
Xây dựng các tour du lịch trải nghiệm là một mũi tên trúng nhiều đích: không chỉ làm phong phú thêm các sản phẩm du lịch của Quảng Ninh, khai thác được các tiềm năng du lịch, tạo thêm công ăn việc làm cho lao động nông dân, ngư dân mà nó còn góp phần hữu hiệu vào việc bảo tồn các giá trị của di sản - kỳ quan thế giới Vịnh Hạ Long.