Mỹ Hòa Hưng (An Giang) phát triển du lịch sinh thái gắn với cộng đồng
Cập nhật: 04/06/2013
(TITC) - Mỹ Hoà Hưng là xã nằm trên Cù lao Hổ giữa sông Hậu, thuộc địa phận TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang. Xã có tổng diện tích tự nhiên 21,21km2, gồm 9 ấp, với 22.946 nhân khẩu sinh sống (số liệu năm 2006).

Nơi đây có cảnh quan thiên nhiên với sông nước mênh mông, làng bè trên sông, kênh rạch chằng chịt, vườn cây ăn trái và các di tích lịch sử văn hóa có giá trị như: khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng, miếu ông Hổ...


Du khách viếng thăm khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng

Với vẻ đẹp đặc trưng của khu vực đồng bằng sông Cửu Long, Mỹ Hòa Hưng thu hút rất đông khách du lịch, nhất là khách du lịch quốc tế đến đây để có dịp thưởng lãm cảnh đẹp cũng như trải nghiệm đời sống văn hóa độc đáo của người dân miền sông nước. Bởi thế, bên cạnh các nghề chính như: trồng cây ăn trái, chăn nuôi gia súc, gia cầm, đánh bắt thủy sản, làm mắm… người dân nơi đây còn làm thêm nghề kinh doanh dịch vụ du lịch, chủ yếu là homestay (du khách ăn, ngủ và tham gia các công việc hàng ngày với người dân địa phương như: nấu ăn, thu hoạch hoa màu, trái cây, tát mương, bắt cá, kéo lưới, mò ốc…).

Tuy nhiên, mô hình du lịch ở Mỹ Hòa Hưng chưa phát huy tối ưu tiềm năng sẵn có. Nắm bắt được điều này, năm 2004, Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang đã tổ chức cuộc họp tại khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng để trao đổi về những mặt còn tồn tại trong phát triển du lịch ở Mỹ Hòa Hưng, đưa ra các giải pháp khắc phục và chú trọng xây dựng phát triển kinh tế - xã hội của xã, trong đó trọng tâm là xây dựng du lịch sinh thái gắn với sông nước miệt vườn, một lợi thế mà thiên nhiên đã ưu đãi cho vùng đất này.

Xuất phát từ hoàn cảnh thực tế và thông qua buổi họp, xã Mỹ Hòa Hưng đã xác định được hướng đi cụ thể góp phần phát triển du lịch của xã như: xây dựng mở rộng không gian khuôn viên Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng (ấp Mỹ An 2) với diện tích tăng thêm 1ha, về phía đông khu lưu niệm (tiếp giáp với sông Hậu) để tạo thuận tiện cho khách du lịch đi tàu, thuyền từ bến phà Ô Môi đến khu lưu niệm, đồng thời mở rộng vườn sinh thái tiếp giáp với khu lưu niệm về hướng bắc với diện tích tăng thêm là 2,68ha; hình thành khu vườn sinh thái trong khuôn viên chùa Chư Vị (ấp Mỹ An 1) với tổng diện tích 15ha; hình thành vườn cây ăn trái, vườn cây cảnh với diện tích 5ha bao quanh miếu Ông Hổ (ấp Mỹ Long 1 và Mỹ Khánh 1); đầu tư xây dựng "Trại du lịch sinh thái" với diện tích 10ha trên cồn Mỹ Hiệp (ấp Mỹ Hiệp), bao gồm các dịch vụ: nhà hàng ăn uống, khu vực cắm trại, khu nghỉ dưỡng, khu vui chơi giải trí, trại cá Sấu, trại Đà Điểu, tàu du lịch…; xây dựng khu du lịch bãi tắm (diện tích 0,7ha) tại cồn Phó Ba (ấp Mỹ Thạnh); hình thành cơ sở nông nghiệp sạch (diện tích 5,6ha) chuyên trồng rau sạch, hoa tươi, cây kiểng tại ấp Mỹ An 2; đầu tư để khai thác vùng thuỷ sản sạch xuất khẩu tại cồn Mỹ Hiệp và ấp Mỹ An 1 với diện tích 55ha; phát triển mở rộng các tuyến dân cư hiện hữu với độ rộng 100m theo mô hình tuyến dân cư kết hợp vườn cây ăn trái; phát triển các tour du lịch tham quan các làng bè thuộc địa phận Mỹ Hoà Hưng để du khách có dịp trải nghiệm đời sống hàng ngày của người dân miền Tây Nam Bộ...

Nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động du lịch, tỉnh An Giang đã chọn Mỹ Hòa Hưng để thực hiện dự án Du lịch nông nghiệp (giai đoạn 1, 2007 - 2009, giai đoạn 2, 2011 – 2014) với sự tài trợ của Hội Nông dân Hà Lan. Theo đó, dự án giúp tạo việc làm cho người nông dân và kích thích sự phát triển đa dạng đối với hoạt động kinh tế ở Mỹ Hòa Hưng, mang lại lợi ích thiết thực cho người nông dân. Hiện tại dự án đã hình thành điểm du lịch cộng đồng Mỹ Hòa Hưng, với sự tham gia của hơn 10 hộ dân, chuyên cung cấp các dịch vụ du lịch bao gồm: homestay; tour du thuyền trên sông, tham quan rừng tràm Trà Sư, săn cá bông lau, tắm bùn phù sa…

Để duy trì tính bền vững, tăng cường hiệu quả của dự án cũng như tạo những hỗ trợ tích cực cho người nông dân tham gia dự án giai đoạn tiếp theo, Hội Nông dân tỉnh An Giang đã thành lập Trung tâm Du lịch nông dân với nhiệm vụ kết nối khách du lịch với nông dân, quảng bá du lịch nông nghiệp, đại diện cho nông dân về mặt pháp lý, tạo điều kiện cho nông dân hợp tác với nhau, đào tạo và hướng dẫn nông dân làm du lịch, quản lý chất lượng, quản lý việc xây dựng các kế hoạch du lịch nông nghiệp và khách du lịch giữa các hội viên nông dân để tránh cạnh tranh không lành mạnh.

Với sự nỗ lực của chính quyền và người dân địa phương trong việc phát triển du lịch, trong tương lai, Mỹ Hòa Hưng sẽ trở thành điểm du lịch cộng đồng tiêu biểu của tỉnh An Giang nói riêng và khu vực đồng bằng sông Cửu Long nói chung.

Thanh Hải

Từ khóa:
Mỹ Hòa Hưng, An Giang,