Đông Triều (Quảng Ninh) đánh thức tiềm năng du lịch tâm linh
Cập nhật: 05/06/2013
Theo thống kê của Phòng Văn hoá - Thông tin huyện Đông Triều (Quảng Ninh), hiện trên địa bàn huyện có 133 di tích; trong đó, 8 di tích được xếp hạng cấp quốc gia và 15 di tích xếp hạng cấp tỉnh.

Các khu di tích trải rộng trên địa bàn 4 xã: Thuỷ An, An Sinh, Tràng An và Bình Khê.

Đặc biệt, tại Đông Triều có khu di tích lịch sử nhà Trần, là một quần thể gồm 14 điểm di tích bao gồm hệ thống di tích lăng mộ, đền, chùa và các công trình tôn giáo thời nhà Trần. Mỗi di tích đều có tính chất và giá trị đặc biệt với ý nghĩa lịch sử rất to lớn. Đầu năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định phê duyệt Quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích lịch sử nhà Trần của huyện. Đây thực sự là một hành lang pháp lý quan trọng, có  ý nghĩa to lớn vừa góp phần bảo tồn di tích lịch sử nhà Trần, tạo điều kiện để nghiên cứu nét đặc thù và tính chất của khu di tích này so với di tích nhà Trần ở các địa phương khác, vừa tạo ra tuyến liên kết không gian văn hoá giữa các điểm di tích lịch sử, văn hoá, tâm linh tại các địa phương liên quan đến lịch sử thời Trần; đồng thời, khai thác hiệu quả tiềm năng, giá trị các di tích góp phần vào mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của huyện nói riêng, của tỉnh nói chung.


Đền thờ Trần Hưng Đạo (xã An Sinh, huyện Đông Triều)

Bên cạnh đó, các lễ hội được tổ chức hàng năm trên địa bàn huyện cũng là một điểm nhấn, thu hút du khách tới Đông Triều để chiêm ngưỡng, tìm hiểu những nét đẹp văn hoá truyền thống tại địa phương.

Với quần thể các di tích lịch sử văn hoá, cùng những danh thắng hấp dẫn, cảnh quan tự nhiên kỳ vĩ đã tạo cho Đông Triều những tiềm năng quý giá trong việc phát triển loại hình du lịch tâm linh. 

Nhận thấy rõ vị trí và tầm quan trọng của quần thể các di tích lịch sử văn hoá, từ nhiều năm qua, UBND huyện đã quan tâm, chú trọng đến việc đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, hạ tầng giao thông, trùng tu tôn tạo nhiều hạng mục công trình của các di tích… làm tiền đề để Đông Triều thành điểm đến hấp dẫn của du khách. Trong những năm qua, nhiều di tích lịch sử trên địa bàn huyện đã được quan tâm đầu tư bằng nguồn vốn xã hội hoá do doanh nghiệp và nhân dân đóng góp, như: Trùng tu, tôn tạo di tích chùa Phúc Lâm (thị trấn Đông Triều) với kinh phí 3,1 tỷ đồng; xây dựng nhà tả vu, hữu vu di tích chùa Cảnh Huống (xã Yên Đức) với kinh phí trên 2,2 tỷ đồng; di tích chùa Cầm (xã Xuân Sơn) với kinh phí 10 tỷ đồng. Riêng chùa Quỳnh Lâm (xã Tràng An), từ năm 1997-2008 nhà chùa đã huy động xã hội hoá, đầu tư kinh phí trên 6,5 tỷ đồng… Bà Nguyễn Thị Viễn, Trưởng phòng Văn hoá thông tin huyện Đông Triều cho biết: “Hiện nay, để từng bước hoàn thiện hệ thống hạ tầng phục vụ đắc lực cho các hoạt động tham quan, tìm hiểu của du khách, huyện Đông Triều đang tập trung phát triển kết cấu hạ tầng tại các điểm di tích. Trong đó việc đầu tư, nâng cấp các tuyến đường giao thông dẫn vào các khu di tích đang được huyện đẩy mạnh thực hiện, tạo điều kiện cho người dân và du khách thập phương đến với các di tích được thuận tiện hơn…”. Đến nay, nhiều tuyến đường đã và đang được bê tông hoá, mở rộng như: tuyến đường giao thông từ thị trấn Đông Triều đến khu di tích đền thờ và lăng mộ vua Trần, với chiều dài 18,3 km; dự án tuyến đường hành hương từ hồ Trại Lốc vào di tích chùa Ngoạ Vân, chùa Hồ Thiên với chiều dài 20,1km, nguồn kinh phí khoảng 215 tỷ đồng…

Để khai thác có hiệu quả thế mạnh du lịch tâm linh, huyện Đông Triều đã xây dựng kế hoạch phát triển du lịch đến năm 2015. Trong đó, tập trung huy động mọi nguồn lực, hợp tác đầu tư phát triển mạnh mẽ các hoạt động du lịch theo hướng văn minh, hiện đại; quy hoạch trùng tu, tôn tạo các quần thể di tích lịch sử văn hoá, phát triển du lịch gắn kết với các điểm dừng chân, nghỉ mát kết hợp với mở rộng du lịch làng nghề truyền thống. Qua đó, từng bước đưa du lịch trở thành một ngành kinh tế quan trọng của huyện, góp phần gìn giữ, phát huy những giá trị văn hoá lịch sử, đồng thời đảm bảo sự phát triển ổn định, bền vững và hiệu quả cho huyện Đông Triều.

Báo Quảng Ninh