Vùng Duyên hải miền Trung là đầu tàu trong phát triển du lịch biển - đảo cả nước nhưng vẫn chưa có bước đột phá mạnh mẽ xứng tầm với các lợi thế của vùng đất này.
Đó là nhận định chung của nhiều đại biểu tại Hội thảo “Phát triển sản phẩm du lịch các tỉnh Duyên hải miền Trung” do Ban Điều phối Vùng Duyên hải miền Trung và UBND tỉnh Khánh Hòa phối hợp tổ chức diễn ra mới đây tại TP Nha Trang, Khánh Hòa.
Đa số các đại biểu tại hội thảo đều có nhận định: Tiềm năm du lịch các tỉnh duyên hải miền Trung vô cùng to lớn, trong đó phải nói đến tiềm năng trời phú về du lịch biển, đảo, có thể trở thành trung tâm du lịch lớn nhất cả nước về loại hình du lịch này. Vùng có đường biển dài 1.430 km, chiếm gần 44% bờ biển cả nước, được thiên nhiên ban tặng nhiều danh thắng và tập trung hầu hết các bãi tắm đẹp nhất cả nước như: Lăng Cô, Mỹ Khê, An Bang, Nha Trang, Ninh Chữ, Mũi Né… Tuy nhiên, tiềm năng này chưa được khai thác hiệu quả. Bên cạnh đó, vấn đề đặt ra là định hướng phát triển du lịch tại một số địa phương vẫn còn bất ổn, còn chung chung, chưa có sự vượt trội về đặc thù từng loại hình du lịch…
Trong những năm gần đây, chủ trương liên kết vùng để phát triển du lịch đã hình thành, nhưng chủ trương này chỉ dừng lại ở chỗ “hô khẩu hiệu”, hiệu quả thấp… Tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn, Viện Nghiên cứu Đà Nẵng nhìn nhận: Các tỉnh duyên hải miền Trung đang chú trọng khai thác các sản phẩm vật thể mà “quên” đi sản phẩm du lịch phi vật thể, trong khi sản phẩm này rất “giàu” tại các tỉnh duyên hải miền Trung. Nhiều địa phương chú trọng phát triển các mô hình làng nghề, xem đó như các loại hình du lịch đặc thù của địa phương mình, nhưng làng nghề ở các tỉnh duyên hải miền Trung đa phần na ná nhau.
Hội thảo lần này cũng giành được sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực du lịch. Theo đại diện Công ty Ánh Dương (chuyên tổ chức đưa khách Nga đến Nha Trang), thì ngành du lịch nên gỡ những nút thắt trong cơ chế vốn đang làm ảnh hưởng đến du khách. Theo đơn vị này thì hiện nay du khách Nga đến Nha Trang tăng nhanh, thời gian lưu trú dài ngày và rất phóng khoáng trong chi tiêu. Thế nhưng, hiện nay visa chỉ có hạn 15 ngày lưu trú nên ảnh hưởng rất lớn đến kỳ nghỉ của họ; vì thế, nên tăng thời hạn visa lên 30 ngày. Nhiều doanh nghiệp du lịch cũng bày tỏ quan ngại về vấn đề môi trường, an ninh du lịch tại các địa phương.
Các đại biểu tại hội thảo đều có chung nhận định: Mặc dù có nhiều lợi thế vượt trội để phát triển du lịch nhưng ngành du lịch duyên hải miền Trung thương hiệu chưa đủ mạnh để cạnh tranh với các điểm du lịch trong và ngoài nước. Việc xác định sản phẩm du lịch đặc thù, chủ lực tại các địa phương còn mờ nhạt, chưa có sự kết nối các sản phẩm du lịch để khai thác lợi thế quy mô vùng. Để du lịch duyên hải miền Trung được “cởi trói”, thời gian tới các địa phương cần xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng, liên kết sản phẩm du lịch, đào tạo nhân lực, kết cấu hạ tầng có quy mô vùng để tạo lực phát triển cho cả vùng… Từ đó, tạo thương hiệu cho du lịch duyên hải miền Trung, góp phần thúc đẩy du lịch của các địa phương, các vùng và du lịch của cả nước cùng phát triển.