Kỷ niệm 20 năm Quần thể di tích Cố đô Huế được UNESCO công nhận là Di sản Văn hoá Thế giới
Cập nhật: 20/06/2013
(TITC) - Nhân kỷ niệm 20 năm Quần thể di tích Cố đô Huế được UNESCO công nhận là Di sản Văn hoá Thế giới và 10 năm Nhã nhạc - Âm nhạc Cung đình Việt Nam được công nhận là Di sản Văn hóa Phi vật thể của Nhân loại, ngày 18/6/2013, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã ban hành Kế hoạch số 75/KH-UBND về việc tổ chức các hoạt động kỷ niệm 2 sự kiện trên.


Điện Thái Hòa thuộc Quần thể di tích Cố đô Huế

Theo kế hoạch, Lễ kỷ niệm sẽ được tổ chức vào ngày 07 tháng 9 năm 2013 tại Trung tâm Văn hóa Thông tin tỉnh. Một trong những hoạt động nổi bật của Lễ kỷ niệm chính là việc tổ chức Hội nghị Gặp gỡ giữa các khu di sản thế giới của Việt Nam. Hội nghị dự kiến cũng diễn ra vào ngày 07 tháng 9 năm 2013 tại Nhà hát Duyệt Thị Đường - Đại Nội, Huế.

Đây sẽ là một cơ hội tốt để Ban tổ chức đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá về di sản Huế trên các báo, tạp chí; xây dựng phim tài liệu giới thiệu về chặng đường 20 năm bảo tồn và phát huy di sản để phát trên sóng truyền hình của Trung ương và địa phương; xuất bản kỷ yếu kỷ niệm 20 năm di sản Huế.

Bên cạnh đó, Ban tổ chức cũng tổ chức trưng bày triển lãm ảnh về các di sản thế giới của Việt Nam kết hợp chương trình kỷ niệm 90 năm thành lập Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế; các chương trình giao lưu biểu diễn nghệ thuật, thi đấu thể dục thể thao giữa các khu di sản.


Nhã nhạc - Âm nhạc Cung đình Việt Nam (Nguồn ảnh: wikipedia)

Thông qua các hoạt động phong phú và ý nghĩa này, Ban tổ chức mong muốn tạo ra nhiều diễn đàn gặp gỡ trao đổi kinh nghiệm và chuyên môn, cơ hội giao lưu văn hóa, nghệ thuật và thể thao giữa các khu di sản và các Ban quản lý di sản của Việt Nam với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, góp phần mở rộng quan hệ hợp tác trong lĩnh vực văn hóa giữa tỉnh Thừa Thiên - Huế với các tổ chức trong và ngoài nước. Đồng thời, hình thành một chuỗi sự kiện văn hóa du lịch nổi bật của tỉnh Thừa Thiên - Huế trong năm 2013 nhằm tạo một điểm đến hấp dẫn cho du khách trong nước và quốc tế.

Việc tổ chức các hoạt động kỷ niệm này còn là một dịp để tổng kết thành tựu sự nghiệp bảo tồn, phát huy giá trị Quần thể di tích Cố đô Huế Nhã nhạc – Âm nhạc Cung đình Việt Nam từ khi được UNESCO công nhận là di sản thế giới, rút ra những bài học kinh nghiệm và định hướng trong tương lai nhằm đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội, khẳng định vị thế của Thừa Thiên - Huế là trung tâm văn hóa - du lịch đặc sắc của cả nước.

Nằm ở bờ Bắc sông Hương, Quần thể di tích Cố đô Huế được xây dựng trong khoảng thời gian từ đầu thế kỷ 19 đến nửa đầu thế kỷ 20 trên một mặt bằng với diện tích hơn 500ha và được giới hạn bởi ba vòng thành theo thứ tự ngoài lớn, trong nhỏ: Kinh Thành, Hoàng Thành và Tử Cấm Thành.

Đây là quần thể di tích tiêu biểu cho những thành tựu về kiến trúc, điêu khắc, thẩm mỹ và sức lao động sáng tạo của con người Việt Nam trong suốt một thời gian dài, đặc biệt là trong nghệ thuật và kiến trúc, quy hoạch thành phố và bài trí cảnh quan, được đánh giá như một “kiệt tác đô thị, một điển hình nổi bật của một Kinh đô phong kiến Phương Đông”.

Trong Quần thể di tích Cố đô Huế có 16 điểm di tích được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới, đó là:

1. Kinh thành ở bờ Bắc sông Hương bảo vệ cho Khu vực hành chính của Nhà Nguyễn và là nơi ở của Hoàng Gia;
2. Hoàng thành nằm ở trung tâm của Kinh thành là nơi ở và làm việc của các vua Nhà Nguyễn;
3. Lăng Gia Long “Hoành tráng Gia Long”;
4. Lăng Minh Mạng “Thâm nghiêm Minh Mạng”;
5. Lăng Thiệu Trị “Khoáng đạt Thiệu Trị”;
6. Lăng Dục Đức “Giản dị Dục Đức”;
7. Lăng Tự Đức “Thơ mộng Tự Đức”;
8. Lăng Đồng Khánh “Xinh xắn Đồng Khánh”;
9. Lăng Khải Định “Tinh xảo Khải Định”;
10. Văn Miếu, nơi thờ Khổng Tử và dựng bia khắc tên các Tiến sỹ thời Nguyễn;
11. Đàn Nam Giao, nơi vua tế trời;
12. Chùa Thiên Mụ, biểu trưng Phật giáo của Huế;
13. Hổ Quyền, đấu trường duy nhất còn lại ở châu Á dành cho voi và hổ;
14. Điện Hòn Chén, nơi thờ Thánh Mẫu;
15. Trấn Bình Đài, án ngữ bảo vệ đường sông của Kinh thành;
16. Trấn Hải Thành, pháo đài trấn giữ mặt biển phía Đông.

Năm 2009, Quần thể kiến trúc Cố đô Huế đã được đưa vào danh sách xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt.

Được UNESCO công nhận là Kiệt tác Di sản phi vật thể của Nhân loại với nhận xét "trong các thể loại nhạc cổ truyền ở Việt Nam, chỉ có Nhã nhạc đạt tới tầm vóc quốc gia" - Nhã nhạc được coi là quốc nhạc của âm nhạc Việt Nam, có sức lan tỏa và ảnh hưởng lớn qua nhiều triều đại phong kiến ở Việt Nam. Nhã nhạc ra đời từ thời Lý (1010-1025), tiếp tục ở thời Trần (1025-1400), có hoạt động quy củ từ thời Lê (1427- 1788) và phát triển rực rỡ vào thời Nguyễn, đặc biệt dưới thời vua Minh Mạng (1820-1840) thì Nhã nhạc cung đình Huế đạt độ chín muồi và hoàn chỉnh nhất. Nó được các triều đại quân chủ Việt Nam hết sức coi trọng, coi là một biểu tượng cho vương quyền về sự trường tồn và hưng thịnh của quốc gia. Nhã nhạc là sự hòa hợp tối đa của nhạc, hát và múa. Các quy định về quy mô dàn nhạc, cách thức diễn xướng, nội dung bài bản... của Nhã nhạc đều rất chặt chẽ, phản ánh tính quy củ qua các định chế thẩm mỹ rất cao. Hệ thống bài hát rất phong phú, với hàng trăm nhạc chương. Nhã nhạc với các thể loại như Giao nhạc, Đại Yến, Miếu nhạc… trong các lễ tế đại triều, thường triều, mừng thọ, lễ đăng quang, lễ tang, lễ tiếp đón sứ thần

 

Nguyễn Anh Dũng