Nghệ An tăng cường bảo vệ môi trường du lịch
Cập nhật: 24/06/2013
Nghệ An có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, đặc biệt là tài nguyên rừng tự nhiên, tài nguyên biển và bờ biển thuận lợi để xây dựng và phát triển hệ thống cơ sở vật chất, kỹ thuật và dịch vụ phục vụ khách du lịch tới tham quan và nghỉ dưỡng.

Nghệ An có nhiều loại hình du lịch được khai thác như: du lịch văn hóa - lịch sử; du lịch sinh thái; nghiên cứu khoa học; du lịch tắm biển, nghỉ dưỡng; du lịch kết hợp thể thao; du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo... Ngoài ra, còn có một số loại hình du lịch khác như du lịch làng nghề, thương mại - công việc, du lịch văn hóa - sự kiện, du lịch ẩm thực...

Những kết quả bảo vệ môi trường

UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo công tác phát triển du lịch và bảo vệ môi trường du lịch: phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Nghệ An đến năm 2020; xây dựng đề án phát triển du lịch biển, đảo Nghệ An đến 2020 và Chương trình phát triển du lịch Nghệ An giai đoạn 2011 - 2015; tham mưu, đề xuất Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An ban hành Nghị quyết 05-NQ/TU ngày 28/10 về phát triển du lịch Nghệ An giai đoạn 2011 - 2020; chỉ đạo UBND thị xã Cửa Lò tham mưu, triển khai Chương trình hành động xây dựng và phát triển thị xã Cửa Lò thành đô thị du lịch; ban hành chỉ thị số 13/2009/CT-UBND ngày 16/4/2009 về tăng cường thu hút khách quốc tế và thúc đẩy phát triển du lịch trên địa bàn Nghệ An (trong đó chú trọng bảo đảm an ninh trật tự, vệ sinh môi trường tại các điểm du lịch trên địa bàn).

Đến nay, một số địa phương như TP. Vinh, thị xã Cửa Lò, Diễn Thành (Diễn Châu), Quỳnh Phương (Quỳnh Lưu), khu di tích Kim Liên (Nam Đàn)... đã ban hành và thực hiện tốt các quy chế về bảo vệ môi trường; xây dựng được nhiều mô hình quần chúng tham gia bảo vệ môi trường ở các phường, xã, vận động nhân dân không đổ rác, phế thải ra đường, nơi công cộng, thành lập tổ thu gom rác tại cụm dân cư, thực hiện tốt công tác tổng vệ sinh môi trường đảm bảo không để rác tồn đọng trên các trục đường, khu dân cư, khu vực công cộng và dọc bãi biển.

100% các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh đều được trang bị thùng đựng rác, lắp biển báo chỉ dẫn nhằm nâng cao ý thức của du khách trong công tác bảo vệ môi trường và thực hiện nghiêm túc quy định của chính quyền địa phương, thường xuyên vệ sinh khu vực du lịch. Đặc biệt, tại TP.Vinh và thị xã Cửa Lò, 100% nhà hàng, khách sạn, ki ốt kinh doanh thực hiện việc đổ rác đến điểm tập trung từ 20h00 đến 24h00 hàng ngày. Tại các khu du lịch trọng điểm khác trên địa bàn tỉnh đều đã thành lập tổ thu gom rác thải và thực hiện khá tốt công tác vệ sinh môi trường (đạt 75-80%), không để xảy ra hiện tượng rác tồn đọng tại các trục đường, điểm du lịch như tại khu di tích Kim Liên, khu di tích mộ Bà Hoàng Thị Loan, quảng trường Hồ Chí Minh, khu tâm viên núi Quyết, bãi tắm Cửa Lò, bãi Lữ...

Nhận diện những hạn chế

Hoạt động du lịch ngày càng diễn ra mạnh mẽ và nhanh chóng, thu hút nhiều tổ chức, cá nhân tham gia vào hoạt động du lịch trong khi công tác quản lý môi trường du lịch chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn dẫn đến tình trạng xâm hại, có nguy cơ làm cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên và nhân văn. Các huyện, thành, thị và các đơn vị, doanh nghiệp hoạt động du lịch chưa có đội ngũ cán bộ được đào tạo chuyên sâu về lĩnh vực môi trường nên rất khó khăn trong công tác quản lý, bảo vệ môi trường du lịch.

Nhận thức về vai trò và sự phát triển bền vững du lịch của cộng đồng và chính quyền các cấp đặc biệt là các doanh nghiệp chưa theo kịp với yêu cầu hội nhập. Các doanh nghiệp kinh doanh du lịch hầu hết thuộc hạng vừa và nhỏ, năng lực quản lý còn yếu kém. Công tác quản lý tài nguyên du lịch còn bất cập. Sự phân cấp ngành trong công tác quản lý môi trường du lịch còn chưa thực sự rõ ràng, rành mạch dẫn đến sự không thống nhất trong hoạt động giám sát, kiểm tra, xử phạt hành chính trong lĩnh vực môi trường. Việc tăng nhanh về số lượng các khu du lịch, các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch đã làm thu hẹp diện tích đất tự nhiên, đặc biệt là diện tích đất nông nghiệp dẫn đến giảm diện tích đất ngập nước, phá rừng lấy đất gây xói mòn, rửa trôi... Phát triển du lịch ở khu vực ven biển với hệ thống đường giao thông, các khách sạn, sân golf... cũng là một trong những nguyên nhân làm tăng nhu cầu khai thác cát, giảm diện tích rừng phòng hộ ven biển dẫn đến nguy cơ gây xói mòn bờ biển, gây ra các hiện tượng cát bay và các hình thức suy thoái đất khác. Rác thải sinh hoạt trong khuôn viên các điểm du lịch được quét dọn hàng ngày và thu gom vào các thùng rác công cộng để đưa đi xử lý,...

Một số giải pháp cấp bách

Tiếp tục đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức trách nhiệm và hành động thực tiễn của người dân, doanh nghiệp và cộng đồng về sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường. Tăng cường đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của Luật Du lịch, Luật Môi trường. Xử phạt nghiêm minh những trường hợp vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường. Triển khai và quản lý chặt chẽ các quy hoạch tổng thể và cụ thể về phát triển du lịch trên địa bàn. Phục hồi và phát triển vốn rừng và nâng diện tích che phủ thực vật, tăng cường công tác phòng, ngừa cháy rừng. Tăng tỷ lệ cây xanh trong đô thị và khu du lịch, khu công nghiệp. Thực hiện các chương trình xanh hóa tại các khu điểm du lịch, các đô thị, làng bản nông thôn, trường học, khu công nghiệp. Khuyến khích các tổ chức cá nhân hoạt động du lịch áp dụng những tiến bộ khoa học công nghệ tiến bộ thân thiện với môi trường. Đẩy mạnh công tác đào tạo nguồn nhân lực cho hoạt động chuyên môn về môi trường và điều tra, nghiên cứu những vấn đề liên quan đến phát triển bền vững. Nhân rộng một số mô hình tiên tiến về bảo vệ môi trường ra địa bàn toàn tỉnh như khách sạn Xanh - Sạch - Đẹp hay chủ trương “5 không” ở Cửa Lò (không nâng ép giá, không chèo kéo đeo bám khách, không tẩm quất bán hàng rong, không làm tổn hại môi trường, không làm mất an ninh trật tự). Kịp thời khen thưởng, động viên các tổ chức, cá nhân có nhiều biện pháp, kinh nghiệm, sáng kiến bảo vệ môi trường.

Baodulich.net.vn
Từ khóa:
Nghệ An,