(TITC) - Trong chuyến khảo sát tìm hiểu về du lịch Việt Nam, các phóng viên của hãng truyền thông BBC (Vương quốc Anh) đã có buổi làm việc và phỏng vấn Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam Nguyễn Mạnh Cường về tình hình du lịch Việt Nam.
|
Phó TCT Nguyễn Mạnh Cường trả lời phỏng vấn hãng BBC |
Chia sẻ với các phóng viên về du lịch Việt Nam, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Mạnh Cường cho biết với nhiều thuận lợi về văn hóa, lịch sử hình thành đất nước, phong cảnh thiên nhiên phong phú và tươi đẹp, là quốc gia có nhiều di sản văn hóa được UNESCO công nhận, đặc biệt hình ảnh con người Việt Nam rất thân thiện, với hệ thống chính trị ổn định cùng với chủ trương hội nhập mở cửa, làm bạn với tất cả các quốc gia trên thế giới của Đảng và Nhà nước Việt Nam, du lịch Việt Nam có đầy đủ các yếu tố để phát triển.
Với tiềm năng phát triển to lớn đó, cách đây hơn 10 năm, Chính phủ Việt Nam với việc xây dựng một loạt các chính sách thuận lợi cho du lịch đã xác định đây là ngành kinh tế hết sức quan trọng, là động lực để phát triển các ngành kinh tế khác. Đặc biệt, ngày 22 tháng 01 năm 2013, Thủ tướng Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam đã phê duyệt “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”, trong đó có nêu bật quan điểm phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; du lịch chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong cơ cấu GDP, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, do cũng chỉ mới thực sự phát triển trong khoảng 10 năm trở lại đây nên du lịch Việt Nam cũng gặp khá nhiều khó khăn, chính vì vậy, song song với việc tích cực đầu tư cho chính sách pháp luật, hạ tầng phát triển du lịch như: giao thông, bến cảng, sân bay…đặc biệt là đầu tư cho các sản phẩm du lịch, đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho du lịch, Việt Nam cũng rất nhanh nhạy học hỏi kinh nghiệm của các quốc gia láng giềng, đặc biệt là Thái Lan – quốc gia có ngành du lịch phát triển rất mạnh. Cùng nằm trong khu vực Đông Nam Á và có khá nhiều điểm tương đồng, Việt Nam có thể học hỏi Thái Lan rất nhiều, đặc biệt là những kinh nghiệm trong các lĩnh vực xúc tiến, quảng bá du lịch. Mặt khác, do khác biệt về thể chế, pháp luật cùng với lợi thế là người đi sau, Việt Nam cũng đã hạn chế được rất nhiều nhược điểm và mặt trái của sự phát triển du lịch một cách quá nhanh chóng của Thái Lan.
Về việc xây dựng các chiến lược xúc tiến quảng bá du lịch, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Mạnh Cường cho biết, du lịch Việt Nam đều nghiên cứu tìm hiểu nhu cầu, tâm lý của từng thị trường để từ đó với mỗi thị trường lại có các sản phẩm, điều kiện dịch vụ phù hợp với thị trường đó. Ví dụ như thị trường Trung Quốc luôn được xem là một thị trường tiềm năng với dân số lớn, nhu cầu du lịch cao, vị trí địa lý ở gần Việt Nam, có nhiều nét tương đồng về văn hóa, phong tục tập quán nên đây luôn được coi là thị trường trọng điểm, được du lịch Việt Nam tập trung đầu tư, quảng bá. Ngoài ra, Tổng cục Du lịch Việt Nam cũng có quan hệ hợp tác rất tốt với Cục Du lịch quốc gia Trung Quốc. Kết quả là trong những năm gần đây, số lượng khách du lịch Trung Quốc đến Việt Nam luôn chiếm vị trí số 1.
Về việc phát triển các sản phẩm du lịch có liên quan đến ký ức chiến tranh, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Mạnh Cường cho rằng, lịch sử là một phần tất yếu của mỗi quốc gia. Trân trọng lịch sử, rút ra các bài học, những điều tích cực và cả những điều không được phép lặp lại là điều nên làm, nó đặc biệt hữu ích cho các thế hệ sau này. Bằng chứng là Bảo tàng Chứng tích chiến tranh tại TP.HCM - Nằm trong hệ thống các bảo tàng vì hòa bình thế giới và là thành viên của Hội đồng các bảo tàng thế giới đã được một trong những chuyên trang du lịch uy tín hàng đầu thế giới – TripAdvisor xếp hạng là 1 trong 3 bảo tàng hấp dẫn nhất trong 25 bảo tàng ở châu Á do du khách bình chọn. Việt Nam là quốc gia đã trải qua nhiều cuộc chiến tranh, với việc xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch gắn với ký ức chiến tranh, lưu giữ các hiện vật liên quan đến chiến tranh, Việt Nam muốn khẳng định mong muốn được sống hòa bình của mình cũng như kêu gọi những nỗ lực của các quốc gia khác trong việc bảo vệ hòa bình chung của thế giới.
Trả lời câu hỏi của phóng viên BBC về một số hạn chế, tiêu cực của du lịch Viêt Nam trong thời gian qua như nạn đeo bám, bắt chẹt, chèn ép du khách, đặc biệt là du khách nước ngoài, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Mạnh Cường nhìn nhận, hiện tượng trên là có thật nhưng chỉ là những hiện tượng cá biệt, không phổ biến và nó có ở tất cả các quốc gia. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải công khai thông tin cho du khách biết. Việc này trong thời gian gần đây du lịch Việt Nam đã làm rất quyết liệt, các hiện tượng tiêu cực đã và đang được hạn chế, dẹp bỏ. Phó Tổng cục trưởng cũng khuyến khích du khách trước khi sử dụng dịch vụ hãy kiểm tra thông tin từ các cơ quan quản lý, tránh những nguồn thông tin không chính thống.
Bằng sự nỗ lực quyết tâm cao của các Bộ, ngành cùng với sự hưởng ứng, ủng hộ của các tầng lớp nhân dân, môi trường du lịch Việt Nam ngày càng trở nên thân thiện. Bằng chứng là bốn điểm đến Hà Nội, TP.HCM, Hội An và Hạ Long đã được nhận giải thưởng Asia Destination Awards năm 2013 cho điểm đến được du khách yêu thích nhất trong số 25 điểm đến tại châu Á của trang web du lịch uy tín hàng đầu thế giới TripAdvisor.
Còn theo kết quả điều tra do Hiệp hội Du lịch Mỹ (USTOA) công bố, Việt Nam đứng đầu trong số các điểm đến mới nổi được du khách quốc tế ưa khám phá lựa chọn trong năm 2012.
Tạp chí Smart Travel Asia online tại Hồng Kông cũng đã trao chứng nhận kết quả bình chọn Hà Nội là điểm đến hấp dẫn thứ 6 châu Á. Đây không phải là lần đầu thủ đô Hà Nội được ghi danh vào "bản đồ" các điểm đến hấp dẫn trên thế giới.
Kết thúc buổi phỏng vấn, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Mạnh Cường đã thay mặt ngành Du lịch Việt Nam cảm ơn BBC đã có chuyến khảo sát và tìm hiều về du lịch Việt Nam, khám phá đất nước con người Việt Nam. Việt Nam yêu chuộng hòa bình, luôn mong muốn được làm bạn với tất cả quốc gia trên thế giới. Du lịch Việt Nam luôn chào mừng bạn bè năm châu đến khám phá, trải nghiệm đất nước, con người Việt Nam và đóng góp những ý kiến để du lịch Việt Nam ngày càng hoàn thiện, phát triển xứng đáng với tiềm năng vốn có và trong tương lai, sẽ trở thành một điểm đến thân thiện, hấp dẫn với bạn bè quốc tế.
Bài: Anh Dũng; Ảnh: Huy Hoàng