Du lịch trong kinh tế - xã hội của Thanh Hóa
Cập nhật: 11/07/2013
Cùng với sự phát triển của du lịch cả nước, được sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh, sự phối hợp của các cấp, ngành, sự nỗ lực vươn lên, vượt qua khó khăn của chính mình, ngành Du lịch Thanh Hóa đã đạt được những kết quả hết sức quan trọng cả về quy mô và chất lượng, từng bước khẳng định vai trò, vị trí của mình trong sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Du khách tham quan hồ Sông Mực trong vườn quốc gia Bến En

Từ xác định du lịch như một hoạt động “giao tế” đã trở thành một ngành “kinh tế”, rồi “kinh tế quan trọng” và hướng tới là “ngành kinh tế mũi nhọn”, tỉnh đã ban hành nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách quan trọng trong định hướng phát triển du lịch; ưu tiên các nguồn vốn đầu tư, quy hoạch và gắn các hoạt động chính trị, kinh tế - xã hội với hoạt động du lịch, lấy du lịch làm đòn bẩy cho các ngành kinh tế khác phát triển.

Bên cạnh đó, nhận thức về du lịch trong cộng đồng dân cư cũng được cải thiện đáng kể. Các dịch vụ du lịch không chỉ dừng lại ở việc đáp ứng nhu cầu, mà đã hướng đến việc tạo ra nhu cầu và điều đó không chỉ tập trung ở các trung tâm kinh tế, các khu, điểm du lịch, mà đã đến cả những làng, bản vùng cao như tại Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, Pù Hu thuộc các huyện Quan Hóa, Bá Thước...

Từ khi hình thành và phát triển đến nay, ngành Du lịch Thanh Hóa cũng đã thể hiện được vai trò quan trọng đối với cộng đồng dân cư và đồng thời trách nhiệm của cộng đồng dân cư đối với phát triển du lịch đã được người dân quan tâm, đề cao.

Trưởng phòng Nghiệp vụ Du lịch (Sở VHTTDL tỉnh) Vương Hải Yến bày tỏ: “Sự chuyển biến rõ nét trong nhận thức, quan điểm về vai trò ngành du lịch của các cấp, ngành cũng như nhận thức về du lịch trong cộng đồng dân cư đã tác động tích cực đến sự phát triển du lịch của Thanh Hóa. Những điều đó được coi như tiền đề cho sự phát triển của ngành du lịch trong các giai đoạn phát triển tiếp theo. Đây là kết quả được đánh giá là thành công nhất trong quá trình hình thành và phát triển của ngành kinh tế du lịch vốn còn non trẻ”.

Với sự cố gắng nỗ lực của ngành du lịch cũng như sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp, ngành, các chỉ tiêu kinh tế du lịch của tỉnh ở các thời kỳ luôn đạt tốc độ tăng trưởng cao. Cụ thể: Giai đoạn 1996 – 2000, du lịch Thanh Hoá đã đón 1.657.632 lượt khách (tăng bình quân 9,6%/năm); doanh thu đạt 341.499 triệu đồng (tăng bình quân 9,5%/năm), nộp ngân sách 21.324 triệu đồng. Giai đoạn 2001 – 2005 đã đón 3.409.269 lượt khách (tăng bình quân 18,9%/năm), doanh thu đạt 774.825 triệu đồng (tăng bình quân 23,9%/năm), nộp ngân sách 45.271 triệu đồng. Giai đoạn 2006 - 2012 đón trên 17,5 triệu lượt khách (tăng bình quân trên 15% /năm), trong đó khách du lịch quốc tế là 201.537 lượt khách (đạt tốc độ tăng trưởng trên 29%/năm); phục vụ được khoảng 32,6 triệu ngày khách (đạt tốc độ tăng trưởng 14,9%/năm), mang lại doanh thu 6.968 tỷ đồng (tăng bình quân trên 23%/năm).

Điều đó cho thấy hoạt động du lịch Thanh Hóa đã góp phần không nhỏ đến phát triển kinh tế của tỉnh, đặc biệt là những địa phương có lợi thế phát triển du lịch như thị xã Sầm Sơn, các huyện Tĩnh Gia, Hoằng Hóa, Quảng Xương, Vĩnh Lộc, Thọ Xuân, Như Thanh, Bá Thước... Cụ thể là tạo khả năng xuất khẩu hàng hoá và đẩy mạnh thị trường tiêu thụ tại chỗ, thúc đẩy các ngành, nghề khác phát triển, góp phần tăng thu ngân sách nhà nước, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực, tăng tỷ trọng dịch vụ trong cơ cấu GDP, tạo thêm nguồn thu để trùng tu, tôn tạo các di tích, danh thắng, tạo việc làm cho người lao động, thực hiện xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của người dân, góp phần đưa kinh tế - xã hội của tỉnh ngày càng phát triển.

thanhhoatourism.gov.vn
Từ khóa:
Du lịch Thanh Hóa,