(TITC) - Ninh Thuận là một tỉnh ven biển thuộc vùng Duyên hải Nam Trung Bộ với 105km đường bờ biển, nhiều vùng biển sâu, vũng, vịnh, cồn tuyệt đẹp, tiêu biểu như biển Ninh Chữ, biển Cà Ná, vịnh Vĩnh Hy… cùng với nhiều khu rừng nguyên sinh xanh tốt, điển hình là Vườn quốc gia Núi Chúa. Ninh Thuận là vùng đất mang đậm màu sắc văn hoá của dân tộc Chăm, còn lưu giữ những di sản văn hoá Chămpa với những di tích tháp Chăm nổi tiếng như: tháp Pôklông Garai, tháp Hòa Lai, tháp Pôrômê...
Bên cạnh đó, giao thông ở Ninh Thuận hết sức thuận lợi - có quốc lộ 1A, quốc lộ 27, tuyến đường sắt Bắc - Nam đi qua, TP. Phan Rang – Tháp Chàm cách sân bay Cam Ranh khoảng 105km về phía nam theo quốc lộ 1A, về phía tây theo quốc lộ 27 khoảng 140km là sân bay Liên Khương (Lâm Đồng).
Tận dụng lợi thế này, trong những năm qua, tỉnh Ninh Thuận đã rất quan tâm đầu tư khai thác kết hợp phát huy tiềm năng du lịch sẵn có. Bên cạnh đó, tỉnh cũng chú trọng đầu tư phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng du lịch, các dịch vụ du lịch, trong đó đáng chú ý là việc xây mới, nâng cấp nhiều khách sạn, nhà hàng. Tính đến nay, toàn tỉnh đã có 68 cơ sở kinh doanh lưu trú với tổng số 1.620 buồng.
Với những nỗ lực như trên, Ninh Thuận đã trở thành điểm đến hấp dẫn nhiều du khách trong và ngoài nước. Theo số liệu thống kê, năm 2012, Ninh Thuận đã đón 950.000 lượt khách (tăng 16% so với năm 2011), trong đó khách quốc tế đạt 80.000 lượt, doanh thu đạt 440 tỷ đồng (tăng 33% so với năm 2011). Trong 6 tháng đầu năm 2013, Ninh Thuận đã đón trên 620.000 lượt khách (đạt 56% kế hoạch năm), tăng 29,19% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó, khách quốc tế ước đạt 36.100 lượt, tăng 22,44% so với cùng kỳ năm trước, khách nội địa ước đạt 584.000 lượt, tăng 29,63% so cùng kỳ năm trước; thu nhập xã hội từ hoạt động du lịch ước đạt 260,05 tỷ đồng.
Để du lịch của Ninh Thuận tiếp tục đạt hiệu quả cao trong 6 tháng cuối năm 2013 và những năm tới, tỉnh Ninh Thuận tiếp tục đầu tư và kêu gọi đầu tư các điểm tham quan trên địa bàn tỉnh; xây dựng kế hoạch nâng cấp đồng bộ các điểm tham quan hiện có; từng bước nâng cao tính chuyên nghiệp trong quản lý, hoạt động của các điểm tham quan nhằm nâng cao chất lượng và đa dạng hoá sản phẩm du lịch; chú trọng phát triển sản phẩm văn hoá - lịch sử để thu hút du khách; xây dựng chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào các điểm tham quan; xây dựng mô hình tổ chức quản lý, khai thác các điểm tham quan…
Đặc biệt, tỉnh Ninh Thuận đang xây dựng Quy hoạch phát triển Du lịch tỉnh Ninh Thuận đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, Ninh Thuận sẽ phấn đấu đón khoảng 2,1 triệu lượt khách, đạt doanh thu du lịch hơn 1.300 tỷ đồng vào năm 2015, đón hơn 3,5 triệu lượt khách, đạt doanh thu du lịch khoảng 4.300 tỷ đồng vào năm 2020. Về vấn đề lao động việc làm, dự kiến đến năm 2015, ngành Du lịch Ninh Thuận sẽ tạo việc làm cho 50.100 lao động và đến năm 2020 là 89.600 lao động. Về vấn đề sản phẩm du lịch, tỉnh sẽ tập trung phát triển các loại hình du lịch biển, sinh thái, nghiên cứu văn hóa, lịch sử. Về không gian du lịch, tỉnh tập trung phát triển 5 cụm du lịch chính, đó là: cụm du lịch Ninh Chữ - Bình Sơn, cụm du lịch Cà Ná, cụm du lịch Bình Tiên - Vĩnh Hy, cụm du lịch suối Thương - thác Tiên gắn với Nhà máy thủy điện sông Ông và cụm du lịch văn hóa Tháp Pôklông Garai.
Để đạt được các mục tiêu nêu trên, trong quy hoạch cũng đã đưa ra các giải pháp mà Ninh Thuận cần thực hiện như: tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch tạo yếu tố phát triển bền vững, phát triển các loại hình du lịch dựa theo thiên nhiên, văn hóa của từng địa phương trong tỉnh, tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến du lịch, tăng cường các biện pháp quản lý Nhà nước về du lịch, mở rộng liên kết vùng và hợp tác quốc tế về du lịch, thu hút các dự án đầu tư du lịch…
Với vị trí địa lý, giao thông thuận tiện cùng nỗ lực của chính quyền và nhân dân địa phương, Ninh Thuận sẽ ngày càng trở nên hấp dẫn trong mắt du khách, trở thành điểm đến có khả năng cạnh tranh cao với các điểm khác trong vùng và trên toàn quốc.
Thanh Hải