(TITC) - Ngày 16/7/2013, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội phối hợp với Tổng cục Du lịch tổ chức Hội nghị Triển khai thực hiện cấp Nhãn Du lịch “Bông sen xanh” cho các cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn Hà Nội.
Tham dự hội nghị có Phó Giám đốc Sở VHTTDL Hà Nội Mai Tiến Dũng; đại diện Vụ Khách sạn – TCDL, Cục Cảnh sát Môi trường – Bộ Công an, Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Dự án EU, MEET-BIS, cùng đại diện các khách sạn từ 1-5 sao trên địa bàn Hà Nội.
Môi trường có quan hệ tác động qua lại với tất cả các lĩnh vực hoạt động trong đời sống kinh tế - xã hội. Đối với hoạt động du lịch, môi trường vừa là điều kiện để phát triển vừa là đối tượng chịu tác động. Hiện nay, khách du lịch thường có xu hướng chọn và sử dụng dịch vụ ở những nơi có môi trường sạch, không bị ô nhiễm, có chính sách bảo vệ môi trường tốt.
Ông Mai Tiến Dũng, Phó Giám đốc Sở VHTTDL Hà Nội cho biết, trong những năm qua, để góp phần đảm bảo phát triển du lịch ổn định và bền vững, việc bảo vệ môi trường trong các hoạt động du lịch đã được Sở VHTTDL Hà Nội tuyên truyền, lồng ghép vào các hoạt động của ngành. Nhiều khách sạn, nhất là khách sạn 3 sao trở lên đã thông báo với khách lưu trú lưu ý việc sử dụng tiết kiệm điện, nước; có ý thức hạn chế việc thay mới các đồ như khăn, chăn, ga, gối để tránh giặt và sử dụng chất tẩy rửa quá nhiều không thật cần thiết; hoặc quan tâm đến việc lắp đặt, sử dụng các trang thiết bị và dụng cụ tiết kiệm điện năng hay sử dụng các nguồn năng lượng sạch, tự nhiên…
Nhằm khuyến khích các cơ sở lưu trú tích cực tham gia vào hoạt động phát triển du lịch một cách bền vững, từ tháng 4/2012, Bộ VHTTDL đã ban hành Bộ tiêu chí Nhãn Du lịch bền vững “Bông sen xanh” làm công cụ đánh giá và quản lý công tác bảo vệ môi trường đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch. Hội nghị này được tổ chức với mục đích hướng dẫn cho các doanh nghiệp kinh doanh du lịch hiểu và tích cực thực hiện các tiêu chuẩn cụ thể, các bước trình tự, thủ tục cấp Nhãn Du lịch bền vững “Bông sen xanh”, đồng thời đây cũng là cơ hội để các chuyên gia, các khách sạn… trao đổi các giải pháp, kinh nghiệm và sản phẩm, trang thiết bị tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường để hướng đến một ngành du lịch xanh, phát triển bền vững.
Tại hội nghị, ông Nguyễn Xuân Quang – Chuyên gia tư vấn năng lượng dự án MEET-BIS Việt Nam đã giới thiệu về tiềm năng và giải pháp sử dụng hiệu quả nguồn năng lượng và nước tại các cơ sở lưu trú. Bằng việc nâng cao ý thức của người dùng, sử dụng các biện pháp tránh rò rỉ, thất thoát nước, các thiết bị tiết kiệm nước, tận dụng nguồn nước đã sử dụng, qua hệ thống xử lý để dùng cho các hoạt động khác hay việc xây dựng hệ thống quản lý năng lượng, kiểm toán năng lượng, vận hành và sử dụng các thiết bị tiết kiệm năng lượng… là những cách đơn giản giúp các doanh nghiệp nhận ra tiềm năng tiết kiệm, đánh giá hiệu quả đầu tư, để từ đó xây dựng lộ trình thực hiện sử dụng hiệu quả nguồn năng lượng và nước cho chính doanh nghiệp mình.
Khách sạn Sheraton Hà Nội là một trong những khách sạn thực hiện rất thành công công tác bảo vệ môi trường và tiết kiệm nguồn năng lượng. Trong hội nghị, Kỹ sư trưởng khách sạn Sheraton Hà Nội Nguyễn Văn Chính đã giới thiệu những kinh nghiệm tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường đang được áp dụng rất hiệu quả tại khách sạn như việc: Huấn luyện các nhân viên kỹ thuật trong việc vận hành đúng, phương pháp vận hành tối ưu cho các thiết bị nhằm tiết kiệm năng lượng; Theo dõi mức tiêu thụ năng lượng hàng ngày và phân tích số liệu, điều chỉnh ngay khi thấy dấu hiệu năng lượng bất thường; Sử dụng công nghệ mới; Bảo dưỡng, sửa chữa định kỳ các thiết bị sử dụng; Xây dựng kế hoạch sử dụng năng lượng hàng năm với số liệu cụ thể của từng tháng, từ đó phân tích kết quả và nguyên nhân, rút ra kinh nghiệm sử dụng năng lượng cho những tháng kế tiếp… Theo thống kê của khách sạn, mỗi năm khách sạn Sheraton Hà Nội tiết kiệm được gần 200.000 USD từ tiết kiệm năng lượng điện, nước, chi phí bảo dưỡng…
Hầu hết các đại biểu tới dự đều nhất trí rằng, buổi hội nghị này rất có ý nghĩa, rất cần thiết trong việc định hướng phát triển cho các doanh nghiệp kinh doanh du lịch trong thời gian tới. Đồng thời, các đại biểu cũng cho rằng, nên có những hướng dẫn, những địa chỉ tư vấn cụ thể để các cơ sở lưu trú có thể tìm hiểu thông tin, học hỏi kinh nghiệm… áp dụng cho chính doanh nghiệp của mình.
Nhãn Du lịch bền vững “Bông sen xanh” áp dụng đối với các cơ sở lưu trú du lịch ở Việt nam có 5 cấp độ, từ 1 đến 5 Bông sen, độc lập với xếp loại, hạng của cơ sở lưu trú du lịch. Thời hạn của giấy chứng nhận Nhãn Du lịch bền vững “Bông sen xanh” là 3 năm, sau 3 năm các cơ sở lưu trú du lịch xây dựng lại hồ sơ gửi đến cơ quan có thẩm quyền cấp để đánh giá và thẩm định lại và ra quyết định cấp tiếp hoặc không.
Năm 2012, Tổng cục Du lịch đã cấp Chứng nhận Nhãn Du lịch bền vững “Bông sen xanh” cho 21 cơ sở lưu trú du lịch với cấp độ 1, cấp độ 3-5, không có cấp độ 2. Trong đó, Hà Nội, có 3 khách sạn được nhận Chứng nhận này là Khách sạn Hòa Bình đạt cấp độ 4, Khách sạn Intercontinental Hanoi Westlake và Khách sạn Sheraton Hà Nội đều đạt cấp độ 5.
|
Bài, ảnh: Hương Lê