(TITC) - Nhà thờ tộc Nguyễn Tường được tạo lập vào năm 1806. Nhà thờ tộc này gắn liền với tên tuổi các cụ Nguyễn Tường Vân (Binh bộ Thượng thư triều Minh Mạng), phó bảng Nguyễn Tường Vĩnh (Tuần vũ Định Tường), tiến sĩ Nguyễn Tường Phổ (Đốc học Quảng Nam và Hải Dương dưới triều vua Thiệu Trị) và nhóm Tự Lực văn đoàn với các nhà văn nổi tiếng Nhất Linh, Thạch Lam, Hoàng Đạo…
Nhà thờ tộc Nguyễn Tường được người dân địa phương quen gọi là dinh Ông Lớn. Nhà thờ tộc được tôn tạo lại năm 1909, sau đó vào năm 2005 được Nhà nước tu bổ và đầu năm 2008 được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa và kiến trúc nghệ thuật.
Nhà thờ này nằm ở số 18/2 đường Nguyễn Thị Minh Khai, cạnh Chùa Cầu (Hội An).
Ngày 13/7/2013, Trung tâm Văn hóa - Thể thao TP. Hội An phối hợp với Trung tâm Quản lý bảo tồn Di sản văn hóa Hội An tổ chức khai trương điểm tham quan di tích Nhà thờ tộc Nguyễn Tường.
Đại diện gia tộc Nguyễn Tường cho biết, di tích hiện do các hậu duệ đời thứ 9, thứ 10 trông coi, bảo quản. Cùng với sự giúp đỡ của Trung tâm VH-TT Hội An, con cháu gia tộc Nguyễn Tường vừa chỉnh trang, bài trí lại không gian thờ tự, sưu tầm, trưng bày các tác phẩm của của nhóm Tự Lực văn đoàn để tạo nên một điểm tham quan di tích kiến trúc văn hóa và văn chương nghệ thuật.
Với sự kiện mở cửa đón khách này, đây là điểm tham quan mới trong quần thể kiến trúc của đô thị cổ Hội An.
Việc đầu tư tu bổ và đưa di tích nhà thờ tộc Nguyễn Tường vào chương trình tham quan Khu phố cổ Hội An góp phần làm phong phú cho loại hình tham quan nhà thờ tộc tại khu di sản này.
Ngoài giá trị tham quan, nhà thờ tộc Nguyễn Tường còn là điểm tổ chức các hoạt động có liên quan đến “văn hóa đọc” và sự nghiệp văn chương của nhóm Tự Lực văn đoàn trong thời gian tới. Như vậy, cùng với nhà thờ tộc Trần, nhà thờ tộc Nguyễn Tường trở thành nhà thờ tộc thứ hai tại Hội An mở cửa đón khách tham quan.
Hương Lê