(TITC) - Là một tỉnh thuộc phía nam châu thổ sông Hồng, Nam Định hiện có 287 di tích gắn liền với tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ phủ, thờ Đức Thánh Trần và liên quan đến “nghi lễ Chầu văn”, trong đó, quần thể di tích Phủ Dầy vừa là trung tâm của tín ngưỡng thờ Mẫu Liễu Hạnh, vừa là nơi thường xuyên diễn ra các hoạt động phục vụ nghi lễ Chầu văn tiêu biểu của Nam Định.
Khu di tích Phủ Dầy
Phủ Dầy là một quần thể kiến trúc tín ngưỡng truyền thống của người Việt tại xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Phủ thờ bà chúa Liễu Hạnh, một trong Tứ Bất Tử của tín ngưỡng dân gian Việt Nam (Thánh Tản Viên, Thánh Gióng, Chử Đồng Tử, bà chúa Liễu Hạnh). Phủ Dầy có ba công trình kiến trúc chính liên quan chặt chẽ tới mẫu Liễu Hạnh là phủ Tiên Hương (phủ chính), phủ Vân Cát và lăng bà Chúa Liễu. Ngoài ra, còn có một di sản văn hóa phi vật thể độc đáo luôn hiện hữu nơi đây là Hầu bóng và hát Chầu văn.
Phủ Dầy đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) cấp bằng xếp hạng Di tích văn hóa lịch sử cấp Quốc gia năm 1975. Tháng 12/2012, nghi lễ Chầu văn của người Việt ở tỉnh Nam Định và Hà Nam cũng đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.
|
Lễ hội Phủ Dầy |
Hàng năm, vào thượng tuần tháng 3 âm lịch, du khách thập phương lại nô nức hành hương về với Phủ Dầy để tham gia Lễ hội Phủ Dầy - lễ hội tôn vinh Thánh Mẫu Liễu Hạnh. Hội Phủ Dầy hấp dẫn bởi sự đan xen, hòa quyện giữa những nghi lễ trang trọng cùng nhiều hoạt động văn hóa dân gian sôi nổi, đặc sắc. Tiêu biểu nhất trong hội Phủ Dầy là nghi lễ rước Thánh Mẫu từ phủ chính (Tiên Hương) lên chùa Gôi vào ngày 6/3. Ðám rước Thánh Mẫu dài gần 1km, có đội ngũ nhạc, có phường bát âm, đội múa rồng, múa sư tử, múa tứ linh, múa võ... Ðến ngày 7/3 có sinh hoạt văn hóa “Hoa trượng hội” với trò kéo chữ, là nét độc đáo nhất của lễ hội. Mỗi lần xếp chữ cần khoảng 100 phu cờ, mặc đồng phục, chít khăn đỏ, áo vàng, thắt lưng xanh, quần trắng, xà cạp đỏ. Mỗi người cầm cây gậy dài khoảng 2m. Người điều khiển gọi là tổng cờ. Vào cuộc, chủ lễ xin Mẫu “ra chữ” sau đó theo nhịp trống chiêng rộn rã xếp thành những dòng chữ nho đầy ý nghĩa.
Hoà trong không khí sinh hoạt văn hóa dân gian, du khách còn được xem rước thỉnh kinh, rước kiệu bát cống long đình, xem múa rồng hội trên núi Tiên Hương... Và khi màn đêm buông xuống, du khách được đắm mình trong những làn điệu Chầu văn tha thiết cùng những đèn trời lung linh sắc màu huyền ảo.
Có thể nói, lễ hội Phủ Dầy là một hình thức sinh hoạt văn hóa - tâm linh đáp ứng nhu cầu tinh thần - tình cảm của đông đảo nhân dân. Bằng hoạt động lễ hội, con người vừa có thể bày tỏ những tâm tư, khát vọng vừa có dịp bộc lộ khả năng sáng tạo của mình.
Hiện, tỉnh Nam Định đang lập hồ sơ đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa lễ hội Phủ Dầy vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia nhằm tiếp tục quản lý, bảo tồn và phát huy tốt nhất giá trị của quần thể di tích Phủ Dầy và tín ngưỡng thờ Mẫu. Dự kiến, hồ sơ sẽ được hoàn thành và trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ngay trong tháng 8/2013. Đây sẽ là cơ sở pháp lý và khoa học quan trọng làm tiền đề để lập hồ sơ đề nghị Nhà nước công nhận quần thể Phủ Dầy là Di tích văn hóa lịch sử Quốc gia đặc biệt và tiến tới đề nghị Bộ VHTTDL cho phép Nam Định đại diện các địa phương có di sản nghi lễ Chầu văn của người Việt lập hồ sơ để trình UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Phạm Phương