Hội thảo Hướng dẫn thực hiện Thỏa thuận Thừa nhận lẫn nhau về nghề Du lịch trong ASEAN
Cập nhật: 14/08/2013
(TITC) - Ngày 13/08/2013, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo hướng dẫn thực hiện Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau về nghề Du lịch trong ASEAN (Mutual Recognition Arrangement - MRA), do Vụ Hợp tác Quốc tế - TCDL tổ chức với sự hỗ trợ kỹ thuật của Dự án “Chương trình Phát triển Năng lực Du lịch có Trách nhiệm với Môi trường và Xã hội” do Liên minh Châu Âu (Dự án EU) tài trợ.
Tham dự hội thảo có bà Hoàng Thị Điệp, Phó Tổng cục trưởng TCDL; ông Hoàng Ngọc Vinh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ Giáo dục và Đào tạo; ông Cao Quang Đại, Vụ trưởng Vụ đào tạo nghề, Tổng cục Dạy nghề (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội); ông Nguyễn Văn Lưu, Phó Vụ trưởng Vụ Đào tạo, Bộ VHTTDL; ông Janez, Trưởng nhóm tư vấn tăng cường kỹ thuật năng lực phát triển du lịch, Dự án EU; đại diện các Vụ, đơn vị thuộc Tổng cục Du lịch, các trường du lịch, công ty lữ hành, khách sạn, hiệp hội du lịch… với khoảng 80 đại biểu.
|
Phó Tổng cục trưởng TCDL Hoàng Thị Điệp phát biểu khai mạc hội thảo
|
Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đang hướng tới mục tiêu hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) vào năm 2015. Đây là mục tiêu quan trọng, đòi hỏi sự nỗ lực của các quốc gia thành viên, ở tất cả các ngành, lĩnh vực kinh tế, trong đó có du lịch tham gia thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế và thương mại trong khối ASEAN. Đối với lĩnh vực du lịch trong khối ASEAN, từ năm 2009 Bộ trưởng Du lịch các quốc gia ASEAN nhân danh Chính phủ các nước đã ký Hiệp định MRA tại Hà Nội, nhân dịp Diễn đàn Du lịch ASEAN (ATF 2009). Các nỗ lực nêu trên đã được Chính phủ Úc hỗ trợ xây dựng tiêu chuẩn nghề chung ASEAN cho 6 nghiệp vụ: Lễ tân, buồng, bếp, Dịch vụ ăn uống, đại lý du lịch, và điều hành tour với tổng số 32 chức danh nghề cụ thể. Trên cơ sở đó, giáo trình đào tạo nghề chung ASEAN cũng đã được xây dựng, liên kết chặt chẽ với khung trình độ ASEAN. Đối với Việt Nam, Tổng cục Du lịch - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã xây dựng hệ thống Tiêu chuẩn nghề du lịch Việt Nam (VTOS) với sự hỗ trợ của Liên minh châu Âu.
Tại hội thảo, các đại biểu đã được nghe giới thiệu về Cơ chế triển khai Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau về nghề Du lịch trong ASAEN; Sách hướng dẫn thực hiện MRA do Việt Nam biên soạn; Hệ thống tiêu chuẩn kỹ năng nghề Quốc gia với việc thực hiện thỏa thuận MRA tại Việt Nam; Hệ thống Tiêu chuẩn nghề du lịch Việt Nam (VTOS) mới; Vai trò của Hội đồng cấp Chứng chỉ Nghiệp vụ Du lịch (VTCB) trong trong việc triển khai MRA trong thời gian tới.
Theo đó, Thỏa thuận MRA cho phép những người lao động trong khối ASEAN có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ được Hội đồng cấp Chứng chỉ Nghiệp vụ Du lịch (VTCB) của các quốc gia thành viên chứng nhận có thể tự do tìm việc ở các quốc gia thành viên. Điều đó sẽ góp phần nâng cao tính cạnh tranh của ngành Du lịch trong khối ASEAN, đồng thời sẽ tạo điều kiện thu hút nhân tài để đáp ứng cho sự thiếu hụt về lao động có trình độ và kỹ năng cao tại các địa phương.
Các đại biểu tham dự hội thảo đều có ý kiến đánh giá cao sự chủ động tích cực của ngành Du lịch trong việc chuẩn bị tham gia hội nhập kinh tế và thương mại trong khối ASEAN vào năm 2015, đồng thời đề nghị TCDL tiếp tục triển khai hội thảo này trên phạm vi toàn quốc trong thời gian tới.
|
Toản cảnh hội thảo
|
Kết luận tại hội thảo, bà Hoàng Thị Điệp cảm ơn và đánh giá cao sự hỗ trợ của dự án EU, Tổng cục Dạy nghề, Bộ GDĐT… đã giúp cho ngành Du lịch từng bước xây dựng và hoàn thiện Tiêu chuẩn nghề Du lịch Việt Nam. Đồng thời đề nghị các cơ sở đào tạo về du lịch, các doanh nghiệp du lịch, hiệp hội du lịch cần nghiên cứu, phối hợp và triển khai các chương trình nhằm nâng cao trình độ cho đội ngũ lao động trong lĩnh vực du lịch để sẵn sàng tham gia vào quá trình MRA vào năm 2015.
Theo kế hoạch, Hội thảo hướng dẫn Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau về nghề Du lịch trong ASEAN sẽ được tổ chức tại Đà Nẵng vào ngày 15/8/2013 và tại TP.HCM vào ngày 13/9/2013.
Bài và ảnh: Thế Phi
|
|
|