Di sản thiên nhiên
Vịnh Hạ Long
Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng
Di sản văn hóa
Quần thể di tích Cố đô Huế
Đô Thị Hội An
Khu đền tháp Mỹ Sơn
Khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội
Thành Nhà Hồ
Di sản hỗn hợp
Quần thể danh thắng Tràng An
Di sản văn hóa phi vật thể
Nghi lễ và trò chơi kéo co
Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ
Nhã Nhạc - âm nhạc cung đình Việt Nam
Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây nguyên
Ca trù
Quan họ Bắc Ninh
Hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc
Hát Xoan ở Phú Thọ
Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ
Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh
Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt
Nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ Việt Nam
Di sản tư liệu
Bia đá các khoa thi tiến sỹ triều Lê và Mạc
Mộc bản triều Nguyễn
Mộc bản Kinh phật Thiền phái Trúc Lâm chùa Vĩnh Nghiêm
Châu bản triều Nguyễn
Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế
Công viên địa chất toàn cầu
Cao nguyên đá Đồng Văn
Nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ Việt Nam   (Di sản văn hóa phi vật thể)

(TITC) - Bài chòi là một hình thức nghệ thuật có sự kết hợp đặc sắc bởi âm nhạc, thơ ca, trình diễn, hội họa và văn học, thể hiện cuộc sống, tâm tư, tình cảm của người dân miền Trung. Theo các nghệ sĩ Bài chòi, loại hình nghệ thuật này ra đời từ nhu cầu giải trí, giao lưu bằng những câu hát, câu hò đối đáp giữa các chòi canh trên nương rẫy. Hiện Bài chòi là di sản chung của 9 tỉnh, thành phố khu vực Trung bộ, bao gồm Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa.

Đặc điểm

Nghệ thuật diễn xướng Bài chòi vừa là trò chơi dân gian vui nhộn, đầy trí tuệ, vừa mang tính sáng tạo ngẫu hứng, thể hiện ở hình thức chơi Bài chòi và trình diễn Bài chòi. Chơi Bài chòi là trò chơi thẻ bài trong các chòi tre, diễn ra vào dịp Tết Nguyên đán tại sân đền hoặc những khoảng đất rộng, bằng phẳng. Người dẫn dắt cuộc chơi có thể là nam hoặc nữ, gọi là anh/chị Hiệu. Để tổ chức chơi Bài chòi, người ta chuẩn bị một ống tre đựng 30 thẻ bài để anh/chị Hiệu cầm và rút thẻ. Ngoài ra còn có một bộ gồm 10 thẻ bài, trên mỗi thẻ có 3 quân bài, tương ứng với 30 quân bài trong bộ bài anh/chị Hiệu cầm. Bộ 10 thẻ bài này sẽ được bán cho những người chơi Bài chòi ngồi trong 10 chòi, mỗi chòi 1 thẻ. Người chơi ở chòi nào có thẻ bài trùng với 3 quân bài mà anh/chị Hiệu rút được và “hô thai” - hát xướng tên sẽ là người thắng cuộc.

Trong trình diễn Bài chòi, anh/chị Hiệu đi các nơi để trình diễn lưu động. Họ thường biểu diễn trên một chiếc chiếu cói. Một anh/chị Hiệu có thể độc diễn nhiều vai, nhiều cảnh khác nhau. Họ hát về tình yêu quê hương đất nước, sự gắn kết cộng đồng, những bài học đạo đức. Lời thơ, câu hát phụ thuộc vào sự ngẫu hứng, ứng tác tại chỗ dựa theo tục ngữ, ca dao, hò vè của anh/chị Hiệu.

Nghệ thuật Bài chòi có 3 phong cách âm nhạc khác nhau, đặc trưng cho 3 khu vực miền Trung: chậm rãi và dung dị ở Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế; nhẹ nhàng, trữ tình và thanh thoát ở Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và mang sắc thái kịch tính ở Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa.

Những người gìn giữ, thực hành và truyền bá nghệ thuật Bài chòi là các anh/chị Hiệu, những nghệ nhân làm thẻ bài, chòi tre và những nghệ sĩ độc diễn Bài chòi.

Giá trị nổi bật

Bài chòi là một hình thức văn hóa và giải trí quan trọng trong cộng đồng làng xã. Nội dung bi hài của Bài chòi phản ánh nhân tình thế thái và phê phán những thói hư tật xấu, khiến khán giả phải suy ngẫm hoặc vui cười sảng khoái.

Sinh hoạt Bài chòi là môi trường thực hành và sáng tạo nghệ thuật, đồng thời giúp bảo tồn nghệ thuật dân gian, phong cách trình diễn cũng như các giá trị văn hóa của từng vùng miền. Các yếu tố văn hoá và nghệ thuật của Bài chòi bao gồm thơ ca, âm nhạc, hội họa, ngôn ngữ và phong tục tập quán được truyền tải một cách tự nhiên, giản dị, tạo sức hút với khán giả, trở thành hoạt động văn hóa tinh thần phổ biến và thiết yếu của người dân Trung bộ.

Với việc truyền tải các kiến thức về văn hóa dân gian thông qua trò chơi và trình diễn, Bài chòi là một hình thức sinh hoạt cộng đồng quan trọng mang giá trị giáo dục cho thế hệ trẻ.

Việc chuẩn bị và tổ chức trình diễn Bài chòi giúp gắn kết các nghệ sĩ với cộng đồng. Đây là dịp để các nghệ sĩ trao đổi, học hỏi các phong cách trình diễn khác nhau. Các thành viên trong cộng đồng có cơ hội hiểu thêm về văn hoá dân gian, chia sẻ tâm tư, tình cảm, kiến thức và kinh nghiệm sống với nhau.

Thực hành nghệ thuật Bài chòi

Kết quả kiểm kê năm 2014 cho thấy, có 1.376 người (870 nam và 506 nữ) thuộc 86 đội, nhóm, câu lạc bộ thực hành Bài chòi ở 9 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa. Tại tỉnh Bình Định và Quảng Ngãi, Bài chòi phát triển mạnh nhất và có ảnh hưởng lớn đến các tỉnh còn lại với 37 câu lạc bộ, 27 gia đình và 106 nghệ sĩ thực hành Bài chòi.

Ngày 7/12/2017, tại phiên họp Ủy ban Liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 12 của UNESCO diễn ra tại Jeju (Hàn Quốc), Nghệ thuật Bài chòi Trung bộ Việt Nam đã chính thức được UNESCO ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Phạm Phương

Xem thêm
 
Số lần xem năm 2025: 3240
Cơ quan chủ quản : Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam
Đơn vị thực hiện : Trung tâm Thông tin du lịch
Địa chỉ: 80 Quán Sứ, Hoàn Kiếm, Hà Nội
Phiên bản thử nghiệm
Giấy phép số: 85/GP-TTĐT cấp ngày 02/7/2015