Festival kí ức Cầu Long Biên: Dựng lại huyền thoại
Cập nhật: 15/04/2009
Festival "Ký ức cầu Long Biên" (dự kiến diễn ra trong hai ngày 9 và 10/10/2009, tại cây cầu huyền thoại - cầu Long Biên) sẽ là một lễ hội mang tính đường phố với nhiều không gian văn hóa khác nhau.

Lễ hội được tổ chức theo phương thức xã hội hóa, gồm 30 hoạt động văn hóa từ đầu thế kỷ 19 đến nay.

Lễ hội sẽ có 3 điểm chính, một đầu cầu (phía Hà Nội) với ý tưởng Ký ức Hà Nội: là sân khấu truyền thống thế kỷ 19 (ca trù, đàn bầu, dàn nhạc dân tộc, chầu văn, chèo, tuồng, hát xẩm, quan họ, ẩm thực của thế kỷ 19) sẽ diễn ra trên một đoạn đường dài 800m dẫn vào thành phố. Với chiều dài 1.680m, cầu Long Biên sẽ được trưng bày theo từng thập kỷ (từ lúc cây cầu được xây dựng cho đến nay) giống như một phòng triển lãm khổng lồ, kể tự sự về câu chuyện ký ức hơn 100 năm tuổi bằng các ngôn ngữ nghệ thuật. Những người tham dự lễ hội đi qua cây cầu sẽ có cảm giác như được đi qua con đường ký ức với từng giai đoạn lịch sử, nối liền hai thế kỷ. Phía đầu cầu Gia Lâm với ý tưởng Ước mơ về Hà Nội thế kỷ 21: một không gian hiện đại với những màn biểu diễn, triển lãm nghệ thuật mang màu sắc đương đại sẽ là biểu tượng cho cuộc sống của người Việt hôm nay trong thời khắc hòa nhập với thế giới.

Trong khuôn khổ sẽ có nhiều hoạt động khác như: Triển lãm tranh của 100 họa sĩ vẽ và sưu tầm tranh theo chủ đề cầu Long Biên; Giải thi Diều với sự tham gia của 100 con diều của 100 nghệ nhân đến từ: Hải Dương, Hải Phòng, Hà Nội; Nghệ thuật sắp đặt Chong Chóng gió dưới bãi nổi sông Hồng; Triển lãm ảnh "Cầu Long Biên - quá khứ và hiện đại" do các nghệ sĩ nhiếp ảnh Hà Nội và quốc tế thực hiện sẽ diễn ra bên "ký ức" của cây cầu; Triển lãm thư pháp - cả ba nhóm thư pháp: Hán - Nôm, Tiền Vệ, Quốc ngữ, đều được thể hiện trên hàng trăm tấm lụa và sau đó được cài lên thành cầu. Cùng hòa vào dòng người trảy hội trên cầu sẽ có những gánh cốm rong, tò he, phở gánh... của Hà Nội xưa. Đặc biệt trong khuôn khổ của Festival, sẽ có một cuộc đi bộ của những người yêu Hà Nội mang thông điệp “Vì Hà Nội xanh, Hà Nội hòa bình” từ Nhà hát lớn sang Gia Lâm với ý tưởng vẽ ra một con đường đi bộ trong tương lai...
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch