Lễ công bố quyết định của Đại hội đồng “Những vịnh đẹp nhất thế giới” công nhận Lăng Cô là thành viên được UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức vào ngày 6/6/2009 ngay tại thị trấn Lăng Cô.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Ngô Hòa là người trực tiếp nhận giấy chứng nhận cho Lăng Cô ở thành phố Setubal - Bồ Đào Nha vừa trở về cho biết: “Trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh lần thứ V với chủ đề “Đại dương kết nối chúng ta”, vịnh Lăng Cô đã được tôn vinh và chính thức đứng trong hàng ngũ 30 vịnh biển đẹp nhất thế giới. Trên bằng chứng nhận ghi rõ: Lăng Cô là một danh thắng có vẻ đẹp tuyệt vời và có tầm quan trọng về phát triển du lịch".
Năm 2006 tỉnh Thừa Thiên - Huế đã tiến hành làm các thủ tục gia nhập câu lạc bộ (CLB) Những vịnh biển đẹp thế giới. Qua hồ sơ gia nhập và thực tế thẩm định, tất cả thành viên Đại hội đồng đã bỏ phiếu công nhận Lăng Cô đạt 8/8 tiêu chí mà CLB đặt ra, trong đó có những tiêu chí quan trọng như: Vịnh Lăng Cô - đảo Sơn Trà nơi tập trung các yếu tố gồm: núi, sông, biển, đảo, đầm phá. Đặc điểm của vùng vịnh này là vừa nước mặn vừa có vùng nước lợ đã trở thành ngôi nhà chung của nhiều loài động thực vật biển quý hiếm, là vùng đa dạng sinh học, đang được đề nghị vào danh sách khu bảo tồn biển của Việt Nam. Lăng Cô là một phần trong chuỗi “Con đường di sản miền Trung” từ Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng đến Cố đô Huế, rồi phố cổ Hội An, khu đền tháp Mỹ Sơn. Lăng Cô còn nằm trên trục hành lang kinh tế Đông - Tây nối Việt Nam - Lào - Thái Lan đang phát huy mạnh mẽ tiềm năng và lợi thế kinh tế của vùng và quốc gia.
Lăng Cô trước đây chỉ là một điểm dừng chân nhỏ của khách trước khi qua đèo Hải Vân với vài hàng quán đơn sơ. Từ khi hầm đường bộ Hải Vân đi vào hoạt động, thị trấn Lăng Cô sôi động hẳn lên, khách du lịch đến đông hơn. Các đơn vị làm du lịch ở đây còn kết hợp mở thêm tour du lịch Huế tham quan hầm đường bộ Hải Vân, vào Đà Nẵng mua sắm, tham quan phố cổ Hội An và ngược ra nghỉ đêm tại Lăng Cô trước khi về lại Huế. Tuyến du lịch liên hoàn Lăng Cô - Bạch Mã - Cảnh Dương - Bắc Hải Vân đã được quy hoạch thành khu du lịch trọng điểm của Thừa Thiên - Huế.
Hiện nay, nhiều dự án du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, du lịch sinh thái đang được đầu tư nhằm thu hút lượng khách du lịch nước ngoài đến du lịch tại đây. Cùng với Lăng Cô - Vườn quốc gia Bạch Mã - Cảnh Dương, các khu resort cao cấp của Banyan Tree (Singapore), Dream Palace (Hàn Quốc), bãi Chuối (Cattigara - Singapore), Lăng Cô beach resort... nằm trên tuyến du lịch đang phát huy giá trị cảnh quan, khai thác du lịch, tạo ra sản phẩm du lịch đa dạng, hấp dẫn của Lăng Cô.
Lăng Cô được định hướng phát triển gắn kết lâu dài với cảng nước sâu, khu công nghiệp và thương mại quốc tế Chân Mây - Lăng Cô, đô thị Chân Mây được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, bảo đảm phát triển bền vững và cân bằng toàn diện các chức năng nghỉ ngơi, sinh sống và làm việc của một đô thị lớn.
Thừa Thiên - Huế cũng đang tập trung đầu tư phát triển mạnh cơ sở hạ tầng của khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, đặc biệt là các hạng mục công trình phục vụ phát triển du lịch, bảo vệ môi trường khu vực ven biển, các chương trình hợp tác quốc tế nhằm bảo vệ tài nguyên môi trường vùng biển Chân Mây - Lăng Cô như dự án đường ven đầm Lập An, quy hoạch phát triển tổng thể khu kinh tế, các tiểu dự án ODA cải thiện môi trường đô thị Lăng Cô, thu hút vốn đầu tư FDI vào khu vực này.