Hội Kiến trúc sư Việt Nam (KTS VN) sẽ cùng với các cơ quan của Hà Nội triển khai một dự án "tân trang" cho khu tuyến phố đi bộ với hy vọng khoác lại cho không gian này những nét xưa cổ kính.
Hà Nội đã chọn tuyến phố Hàng Đào - Đồng Xuân làm tuyến phố thí điểm đi bộ định kỳ từ năm 2004. Vài năm qua, hoạt động này diễn ra vào cuối tuần, thu hút được nhiều du khách trong và ngoài nước thư giãn theo kiểu dã ngoại và tìm hiểu văn hóa, đời sống trong khu phố cũ Hà Nội với điều kiện môi trường tương đối trong lành và hạn chế tiếng ồn, giảm ách tắc giao thông. Tuy nhiên, ngoài các ngày dành cho đi bộ thì tuyến phố vẫn sôi động trong cơ chế thị trường với dòng chảy không ngừng của xe cộ, hàng hóa, các công trình tiếp tục xây dựng, khói bụi, rác vẫn phóng xả theo những bước chân và vòng xe. Như nhận định của các chuyên gia kiến trúc thì sau 4 năm hoạt động, tuyến phố đi bộ này đang xuất hiện nhiều vấn đề bức xúc về giao thông, kiến trúc, các loại hình quảng cáo, ý thức của người quản lý, người dân, rồi văn minh thương mại...
Vì thế, yêu cầu đặt ra là xây dựng một chiến lược lâu dài cho việc cải tạo, chỉnh trang, phục vụ yêu cầu phát triển của khu vực, phát huy thế mạnh của tuyến phố. Phối hợp với chỉ đạo của TP và kế hoạch của quận Hoàn Kiếm, Hội KTS VN đã xây dựng đề cương để tháng 9 tới sẽ triển khai dự án chỉnh trang, nâng cấp tuyến phố Hàng Đào - Hàng Đậu. Vị trí và phạm vi nghiên cứu kéo dài khoảng 1.000m, được tính từ quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục qua các tuyến phố Hàng Đào - Hàng Ngang - Hàng Đường - Đồng Xuân - Hàng Giấy, đến khu vực nút giao thông vườn hoa Hàng Đậu.
KTS Ngô Doãn Đức - Viện trưởng Viện kiến trúc - Hội KTS VN cho biết, dự án sẽ thiết kế chỉnh trang, nâng cấp mặt đứng các công trình kiến trúc hai bên tuyến phố và tổ chức không gian cảnh quan đô thị trong phạm vi nghiên cứu. Các yếu tố giao thông, hạ tầng cơ sở sẽ được tổ chức và thiết kế cho thuận tiện và văn minh với việc phân luồng, lập các điểm dừng chân, điểm đón, bãi xe phục vụ tuyến đi bộ, thiết kế lòng, hè đường, hệ thống đường dây, đường ống, chuẩn hóa hệ thống biển hiệu, quảng cáo...
Đặc biệt, trong dự án này, các nhà thiết kế đang đề xuất khai thác sử dụng tháp nước Hàng Đậu vào phục vụ mục đích văn hóa, du lịch. Dự kiến, sau 1 năm triển khai, tuyến phố sẽ có một diện mạo sáng sủa, "ngăn nắp" và tao nhã hơn để đón chào 1000 năm Thăng Long. Sau đó, việc chỉnh trang, nâng cấp vẫn tiếp tục với mục tiêu lâu dài làm cơ sở khai thác cho du lịch và cố gắng giữ gìn, tái hiện những nét trầm mặc, dung dị của kiến trúc khu vực phố cổ Hà Nội. KTS Ngô Doãn Đức đặt vấn đề: Có thể tái tạo những hình ảnh phố như trong tranh của họa sĩ Bùi Xuân Phái, trong ảnh của nghệ sĩ Đỗ Huân, Phú Thái. Và Nhà nước cần mạnh dạn mua một dãy 5, 7, 10 ngôi nhà cũ, giữ nguyên và chỉnh trang nhằm thể hiện chân thực dáng nét phố cổ. Đó sẽ là những điểm nhấn rất đẹp đẽ, mang đậm tính văn hóa, lịch sử, gợi nhớ về Hà Nội cổ kính một thời.
Dự án thể hiện một nguyện vọng đầy ý nghĩa hồi cố và lưu giữ truyền thống. Bên cạnh việc triển khai đúng thiết kế, bảo đảm tính chân thực lịch sử thì việc vận động, phổ biến với đội ngũ quản lý và nhân dân trong khu vực đang phát triển mạnh về thương mại này cũng quan trọng không kém. Tất nhiên, tuyên truyền nên thông qua văn hóa nghệ thuật để có hiệu quả lâu dài chứ đừng chỉ là công tác hành chính sự vụ một chiều từ trên xuống.