Đẩy mạnh hợp tác tam giác phát triển du lịch TP Hồ Chí Minh - Bình Thuận - Lâm Đồng
Cập nhật: 16/04/2018
Ngày 15/4, Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị Sơ kết 4 năm thực hiện Chương trình hợp tác liên kết tam giác phát triển du lịch Thành phố Hồ Chí Minh - Bình Thuận - Lâm Đồng giai đoạn 2013 - 2018.

Các đại biểu tham dự Hội nghị. 

Theo Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh, thời gian qua, các địa phương gồm Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Thuận, Lâm Đồng đã thường xuyên hỗ trợ, trao đổi kinh nghiệm quản lý nhà nước; tổ chức các hoạt động, sự kiện tiêu biểu hàng năm để các doanh nghiệp lữ hành phối hợp tham gia nhằm thu hút khách du lịch.

Thông tin từ đại diện các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận và Lâm Đồng cho hay, có khoảng 50% các dự án du lịch ở Bình Thuận và Lâm Đồng do các doanh nghiệp ở Thành phố Hồ Chí Minh đầu tư. Cụ thể, tại tỉnh Bình Thuận có khoảng 239 dự án du lịch, chiếm 62% tổng dự án được chấp nhận đầu tư của tỉnh; Lâm Đồng có 100 dự án du lịch, chiếm 44% tổng dự án được chấp thuận của tỉnh này.

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ: Từ chương trình liên kết tam giác phát triển trong thời gian qua đã minh chứng rằng việc liên kết không làm suy yếu thế mạnh du lịch của các địa phương mà còn phát huy tiềm năng và lợi thế phát triển du lịch, phù hợp với tính đặc trưng "liên vùng" của du lịch được xác định trong Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả khả quan, lãnh đạo ngành du lịch các địa phương cũng chỉ ra những hạn chế, cần khắc phục. Theo ông Bùi Tá Hoàng Vũ, trong quá trình liên kết giữa ba địa phương trong 4 năm qua đã có lúc phát triển rất hiệu quả nhưng cũng có lúc khá mờ nhạt. Do đó, cần thiết làm thế nào để liên kết này tạo ra các hành trình chung không chỉ cạnh tranh với các địa phương trong nước mà còn đủ sức để hút khách nước ngoài.

Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Mỹ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Du lịch Lửa Việt cho rằng, thương hiệu du lịch riêng của ba địa phương vẫn rất mờ nhạt. Để liên kết này đi vào hiệu quả trước hết các địa phương cần phải phát huy rõ thế mạnh du lịch riêng, độc đáo. Từ những nét riêng này, ngành du lịch 3 địa phương tổng hợp lại và tạo thành một tour chung mang nét đặc thù không thể lẫn vào đâu được. Sau đó mới mang đi giới thiệu, chinh phục du khách các tỉnh, thành khác cũng như mang ra các Hội chợ quốc tế để thu hút khách khu vực ASEAN, châu Á hay châu Âu. 

Đồng quan điểm, ông Ngô Minh Chính, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận cho rằng, ngành du lịch cần nghiên cứu chuyên nghiệp, giải quyết các vấn đề du lịch của 3 địa phương này. Làm sao khai thác được những sản phẩm du lịch mới, độc đáo, đúng như với khẩu hiệu liên kết tam giác trong thời gian qua là "Chợ Sài Gòn - Biển Mũi Né - Hoa Đà Lạt". 

Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng đề xuất cần xây dựng quy hoạch phát triển du lịch chung cho 3 địa phương với những cơ chế, chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp để tạo động lực, giúp cho liên kết hiệu quả, đi vào chiều sâu.

Ghi nhận các ý kiến đóng góp, ông Bùi Tá Hoàng Vũ, cho biết: Năm 2018 và đến đầu năm 2019, ngành du lịch Thành phố Hồ Chí Minh - Bình Thuận - Lâm Đồng tiếp tục cam kết thực hiện có hiệu quả Chương trình hợp tác liên kết tam giác phát triển du lịch; khắc phục các mặt hạn chế về công tác quảng bá, giới thiệu điểm đến; đồng thời, triển khai xây dựng thương hiệu, thực hiện app điện thoại của liên kết này.

Ông Vũ cho biết thêm sẽ phối hợp với Hiệp hội Du lịch thành phố tạo điều kiện và khuyến khích doanh nghiệp du lịch trên địa bàn đầu tư phát triển sản phẩm và xây dựng chương trình du lịch liên kết 3 địa phương, đáp ứng nhu cầu của nhiều đối tượng du khách trong và ngoài nước.

Tin, ảnh: Gia Thuận

TTXVN