Thành phố Hồ Chí Minh: Bến Bạch Đằng sắp lung linh trở lại
Cập nhật: 31/10/2018
Ngay trong tháng 11, tại bến Bạch Đằng sẽ có hàng loạt tàu du lịch phục vụ du lịch và ẩm thực hằng đêm...

Khu vực bến-công viên bến Bạch Đằng có chiều dài khoảng 600 m, hiện có bốn bến thủy từ ngã ba rạch Bến Nghé đến phần tiếp giáp Nhà máy đóng tàu Ba Son - đường Tôn Đức Thắng. Nơi đây được xem là bến vàng của Sài Gòn khi sở hữu vị trí đắc địa, một mặt tiếp giáp sông Sài Gòn, một mặt là khu trung tâm sầm uất. Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp rất muốn đầu tư làm du lịch tại đây.

Ba doanh nghiệp đầu tư

“Hiện tất cả công việc đang tiến triển thuận lợi, chúng tôi đang yêu cầu các hãng tàu có khai thác tại bến Bạch Đằng khẩn trương triển khai kế hoạch để ngay tháng 11 bắt đầu khai thác du lịch” - đại diện Sở GTVT TP. HCM cho biết.

hiện có ba doanh nghiệp đề xuất khai thác du lịch kết hợp ẩm thực về đêm tại bến Bạch Đằng. Đó là Công ty Cổ phần Đầu tư Hoàng Triều, Công ty TNHH Thuyền buồm Đông Dương và Công ty TNHH Thương mại Hào Huy.

Phương án khai thác được Sở GTVT TP chấp thuận gồm: cầu bến số 2 (đối diện khách sạn Riverside, hiện là bến tàu cao tốc Bạch Đằng) sẽ cho phép tàu chở khách và tàu nhà hàng của hai doanh nghiệp là Công ty Hoàng Triều và Công ty Thuyền buồm Đông Dương được ra vào cập bến đón trả khách.

Lý do chọn bến này được ngành giao thông giải thích vì bến có khả năng tiếp nhận tàu có tải trọng đến hơn 100 khách, hạ tầng giao thông đường bộ kết nối thuận lợi, đồng thời nhà ga, nhà chờ và các công trình phụ trợ trên bến đã được tu sửa, chỉnh trang đảm bảo phục vụ du khách.

Ngoài bến số 2, Sở GTVT cũng đồng ý cho tàu nhà hàng Elisa của Công ty Hào Huy được ra vào, neo đậu tại bến số 4 (đối diện đường Hàm Nghi) vào 16 giờ chiều thứ Sáu đến 5 giờ sáng thứ Hai hằng tuần và các ngày lễ, Tết trong năm.

Tuy nhiên, với bến thủy này, Sở lưu ý phải thực hiện kiểm định để đánh giá khả năng đảm bảo an toàn trước khi đưa vào khai thác. Công ty Hào Huy tự chịu kinh phí và tổ chức thực hiện kiểm định cầu bến theo quy định.

Ngay trong tháng 11, tại bến Bạch Đằng sẽ có hàng loạt tàu du lịch phục vụ du lịch và ẩm thực hằng đêm. Ảnh: Hoàng Giang

Phương án tổ chức lưu thông tại bến này là sẽ sử dụng các đường ra vào kết nối từ đường Tôn Đức Thắng vào cầu bến số 1-số 2 để phương tiện giao thông đường bộ dừng đón trả khách, không mở thêm vị trí kết nối để đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên đường Tôn Đức Thắng. Khách muốn lên tàu Elisa và thưởng thức ẩm thực, ngắm cảnh quan về đêm Sài Gòn sẽ gửi ô tô tại số 5 Nguyễn Tất Thành và gửi xe máy tại bến đường Nguyễn Kiệu, quận 4.

Như vậy, ngay trong tháng 11, hình ảnh quen thuộc của bến Bạch Đằng về đêm sẽ trở lại với người dân Sài Gòn khi có các tàu nhà hàng neo đậu, cập bến với đèn và ánh sáng lung linh mỗi đêm. Trước đó, từ tháng 4/2015, UBND TP. HCM đã ra quyết định chấm dứt hoạt động của các tàu cánh ngầm, canô du lịch, tàu nhà hàng... tại bến Bạch Đằng để phục vụ việc cải tạo, chỉnh trang.

Kéo khách du lịch

“Khi tàu nhà hàng cập bến trở lại bến Bạch Đằng này, chúng tôi hy vọng sẽ lôi kéo được khách du lịch vãng lai và khách nước ngoài với các chương trình du lịch, ẩm thực phong phú trên tàu” - ông An Sơn Lâm, Giám đốc Công ty TNHH Thuyền buồm Đông Dương, cho biết.

Sắp tới, tàu nhà hàng của công ty này sẽ khai thác ba chuyến vào mỗi buổi tối từ 17 giờ 30. Các tàu cập bến Bạch Đằng đón những hành khách và người dân muốn lên tàu du ngoạn sông Sài Gòn và thưởng thức nhạc dân tộc cùng chương trình ẩm thực trên tàu. “Hiện giá vé thấp nhất phục vụ hành khách là 300.000 đồng mỗi người. Chúng tôi hiện có sáu tàu nhà hàng ẩm thực và du ngoạn sông Sài Gòn vào ban đêm, sức chứa có thể lên đến gần 200 người/tàu, đảm bảo nhu cầu khách du lịch tại đây” - ông Sơn Lâm chia sẻ.

Tương tự, chị Liêu Thị Mỹ Hạnh, Trưởng phòng Kinh doanh Công ty Cổ phần Đầu tư Hoàng Triều, cho rằng việc cho khai thác tàu du lịch trở lại tại bến trung tâm này sẽ là tác nhân kích phát triển du lịch đường sông của TP. “Sau thời điểm tháng 4/2015, khi TP không cho hoạt động tại bến Bạch Đằng, đội tàu chúng tôi phải cập bến đón trả khách tại bến Tân Cảng - khu vực cầu Sài Gòn, tất nhiên khách du lịch không hứng thú bằng so với ở đây” - bà Mỹ Hạnh phân tích.

Hiện đội tàu của Công ty Hoàng Triều có 14 chiếc, sức chở 25 khách/tàu, mỗi ngày các tàu này chở đến 120-150 khách, cuối tuần có thể lên đến 300 khách đi từ TP. HCM du lịch tới huyện Củ Chi, Cần Giờ, Mỹ Tho (Tiền Giang).

Chỉ thực hiện một năm

Sở GTVT TP. HCM cho biết việc khai thác du lịch kết hợp ẩm thực về đêm chỉ được triển khai trong một năm trong khi chờ các đơn vị liên quan hoàn thiện đồ án quy hoạch chi tiết khu công viên bến Bạch Đằng. Sau thời hạn trên, các doanh nghiệp tự thực hiện việc di dời khi TP triển khai quy hoạch chi tiết khu công viên bến Bạch Đằng.

Trong kết luận của UBND TP. HCM, TP cũng yêu cầu các doanh nghiệp giữ gìn mỹ quan đô thị, vệ sinh môi trường, an toàn giao thông đường bộ và đường thủy trong quá trình hoạt động. Đặc biệt, TP cũng sẽ chấm dứt hoạt động khai thác tại các bến này nếu không đảm bảo về an toàn giao thông đường thủy và đường bộ.

KIÊN CƯỜNG

plo.vn