Ngành du lịch Bình Trị Thiên bàn phương án phát triển du lịch bền vững
Cập nhật: 11/12/2018
Trong năm 2018, ngành du lịch 3 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế đã đón gần 10 triệu lượt khách. Con số này vừa được đưa ra tại Hội nghị Tổng kết hợp tác phát triển du lịch của 3 địa phương tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên – Huế.
Kinh thành Huế là một trong những điểm đến hút khách của Thừa Thiên - Huế
10 triệu lượt khách đến Bình Trị Thiên năm 2018
Ngày 8/12, tại Khu du lịch Alba Thanh Tân (Thừa Thiên - Huế), Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Quảng Trị, Sở Du lịch Quảng Bình và Sở Du lịch Thừa Thiên - Huế đã tổ chức Hội nghị Tổng kết hợp tác phát triển du lịch 3 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế năm 2018.
Hội nghị cho biết, trong năm 2018, 3 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế đã đón gần 10 triệu lượt khách tham quan. Cụ thể, trong năm nay tỉnh Quảng Bình đón 3,9 triệu lượt khách trong đó khách quốc tế đạt 200.000 lượt, doanh thu 4.485 tỷ đồng; tỉnh Quảng Trị đón hơn 1,8 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt 168.000 lượt, doanh thu 1.624 tỷ đồng; tỉnh Thừa Thiên - Huế đón gần 4,3 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế hơn 1,96 triệu lượt, doanh thu 4.400 tỷ đồng.
Đây là kết quả trong một năm mà các địa phương này đã triển khai nhiều nội dung hợp tác quan trọng không chỉ trong lĩnh vực về quản lý nhà nước về du lịch mà còn tiến hành hợp tác phát triển sản phẩm du lịch, quảng bá xúc tiến du lịch, phát triển nhân lực du lịch của 3 địa phương.
Được biết, trong năm 2018, ngành du lịch của ba tỉnh đã làm việc với các Hiệp hội du lịch, các doanh nghiệp kinh doanh du lịch trong việc triển khai và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch đặc trưng gắn với khu vực Bình – Trị - Thiên như: "Con đường Di sản miền Trung", "Đường Hồ Chí Minh huyền thoại", "Con đường sinh thái, văn hóa tâm linh Bắc miền Trung gắn với du lịch có trách nhiệm và bền vững"; tham quan chiến trường xưa Huế - Quảng Trị, du lịch đường bộ cho khách du lịch Thái Lan và Lào đi qua cửa khẩu Hồng Vân (Thừa Thiên - Huế), Cha Lo (Quảng Bình), Lao Bảo (Quảng Trị)…
Ba tỉnh cũng đã tích cực hỗ trợ lẫn nhau trong công tác giới thiệu thông tin, kết nối quảng bá, triển khai các sản phẩm du lịch mới. Phát triển nguồn nhân lực với các chương trình đào tạo, hợp tác giữa Trường đại học Quảng Bình, Khoa Du lịch – Đại học Huế, Trường cao đẳng du lịch Huế, phân viện đại học Huế tại Quảng Trị, Trường Trung cấp Mai Lĩnh Quảng Trị với một số doanh nghiệp, địa phương đào tạo các ngành, chuyên ngành như phục vụ nhà hàng, nghiệp vụ lễ tân, nghiệp vụ bar và pha chế đồ uống, nghiệp vụ hướng dẫn du lịch…cho hàng trăm lao động.
Xây dựng chuỗi 5 địa phương 1 điểm đến
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Phúc - Phó Giám đốc Sở Du lịch Thừa Thiên - Huế cho biết, sau gần 2 năm triển khai chương trình hợp tác (ký kết hợp tác ba tỉnh năm 2016) và riêng năm 2018 ngành du lịch ba tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế bước đầu đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, tuy nhiên vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại, hạn chế cần phải khắc phục.
Quang cảnh Hội nghị Tổng kết hợp tác phát triển du lịch tổ chức tại Thừa Thiên - Huế
Hiện tại, hiệu quả của chương trình hợp tác, liên kết phát triển du lịch giữa các địa phương mới chỉ tập trung vào công tác kết nối, hợp tác của các doanh nghiệp lữ hành, chưa khai thác hết tiềm năng của các tỉnh cũng như chưa định vị được thương hiệu du lịch của vùng do đó cần phải tăng cường hơn nữa trong việc phối hợp để đưa mối liên kết, hợp tác đi vào chiều sâu và hiệu quả hơn trong năm 2019.
Để công tác hợp tác ngày càng thiết thực và hiệu quả, tại hội nghị đại diện 3 tỉnh đã đưa ra nhiều phương án bàn bạc, thảo luận. Trong đó, trước mắt sẽ tiếp tục nghiên cứu xây dựng, phát triển bộ nhận diện thương hiệu cho điểm đến du lịch chung của ba tỉnh. Đánh giá khoa học, đầu đủ phương thức thực hiện của các địa phương trong việc phát triển điểm đến chung. Về lâu dài, trong thời gian tới sẽ đề xuất với hai địa phương là TP Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam xây dựng chuỗi liên kết 5 địa phương 1 điểm đến để tạo hình ảnh quảng bá của khu vực miền Trung.
Cụ thể, sau khi hình thành chuỗi liên kết các địa phương sẽ tổ chức nhiều hoạt động phối hợp quảng bá, xúc tiến điểm du lịch của 5 tỉnh theo một số hình thức như: tổ chức hội chợ trong nước và quốc tế; hợp tác quảng bá trên các phương tiện truyền thông và một số trang mạng du lịch quốc tế (TripAdvisor, Traveloka,…); tổ chức các đoàn famtrip/presstrip, mời các doanh nghiệp lữ hành lớn, các hãng hàng không, các blogger nổi tiếng đến khảo sát, phát triển sản phẩm chung cho vùng du lịch 3 tỉnh Bình - Trị - Thiên trong chuỗi liên kết vùng du lịch 5 tỉnh từ Quảng Nam đến Quảng Bình với hạt nhân là Đà Nẵng, còn Thừa Thiên – Huế và Quảng Trị, Quảng Bình là điểm đến vệ tinh hoặc điểm kết nối quan trọng.
Tại hội nghị lần này, các đại biểu cũng đề xuất trong năm 2019 sẽ nghiên cứu xây dựng tuyến du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm tại nhánh Tây đường Hồ Chí Minh và hình thành chuỗi sản phẩm du lịch: Cố đô nước Việt (Huế) – Ký ức chiến tranh và Khát vọng hòa bình (Quảng Trị) – Kỳ vĩ Phong Nha (Quảng Bình) để tăng trưởng khách đặc biệt là khách quốc tế, khách có khả năng chi tiêu cao, thời gian lưu trú dài ngày nhằm hướng đến phát triển du lịch bền vững.
"Để sự liên kết đạt hiệu quả, ngành du lịch ba tỉnh cần có sự phân công cụ thể hơn cho mỗi đơn vị, bộ phận trực tiếp theo dõi và triển khai các hoạt động theo kế hoạch năm đã được ba Sở Du lịch đồng thuận, đề nghị Hiệp hội Du lịch của ba tỉnh tham gia chủ động và tích cực hơn với ngành du lịch", ông Nguyễn Văn Phúc cho biết thêm.
Báo Tổ quốc
|
|
|