Thêm nhiều hoạt động dịch vụ tại các điểm di tích Huế
Cập nhật: 15/05/2019
Theo lộ trình của đề án phát triển dịch vụ trên cơ sở phát huy giá trị di tích Cố đô Huế đến năm 2020, trong thời gian qua, các hoạt động dịch vụ tại khu di sản Huế đã được Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tích cực đẩy mạnh.
Cung Trường Sanh/wikipedia
 
Gần đây nhất, sau khi được UBND tỉnh phê duyệt các đề án sử dụng tài sản công tại Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế vào mục đích cho thuê, tại Đại Nội sẽ có thêm dịch vụ mới để phục vụ du khách - thông tin trên Báo Thừa Thiên Huế cho biết.
 
Cụ thể, nhằm góp phần bảo tồn, gìn giữ và phát huy tinh hoa ẩm thực Huế, đồng thời hình thành các tour du lịch thưởng thức món ăn Huế tại Đại Nội kết hợp với các chương trình biểu diễn nghệ thuật cung đình, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế triển khai đề án "Sử dụng tài sản công vào mục đích cho thuê hoạt động dịch vụ ẩm thực món Huế tại cung Trường Sanh". Những dịch vụ ở đây sẽ được phát triển theo hướng đẩy mạnh giá trị gia tăng các sản phẩm văn hóa truyền thống chất lượng cao, tăng thụ hưởng văn hóa.
 
Ngoài cung Trường Sanh, các điểm đến như Đông Khuyết Đài (Đại Nội) và cơ sở nhà đất số 57 Đặng Dung, TP. Huế, cũng được chính thức đưa vào khai thác dịch vụ. Trong đó, tại cơ sở nhà đất 57 Đặng Dung, dòng dịch vụ khai thác chính là những sản phẩm y học cổ truyền gắn với di sản Thái Y viện của triều Nguyễn xưa.
 
Được biết, việc quy hoạch một số khu vực và cụm di tích để tổ chức các hoạt động dịch vụ du lịch nhằm khai thác tối đa, hiệu quả những lợi thế của văn hóa vùng đất Cố đô nhưng vẫn đảm bảo phù hợp với công ước quốc tế về bảo tồn di sản và tuân thủ mọi quy định của pháp luật.
Báo Tổ Quốc