Cẩm Phả đưa du lịch cất cánh
Cập nhật: 09/12/2019
Không chỉ là cầu nối giữa TP Hạ Long và Vân Đồn, Cẩm Phả còn sở hữu nhiều tiềm năng về du lịch. Do đó, thành phố đã và đang thực hiện đồng bộ các giải pháp đưa Cẩm Phả trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách, thúc đẩy tăng trưởng trong lĩnh vực du lịch, góp phần xây dựng thành phố công nghiệp - dịch vụ bền vững.

Khai thác tiềm năng

Đền Cửa Ông là một điểm đến thu hút đông đảo người dân, du khách bốn phương hằng năm. (Ảnh: Phan Hằng)

Cẩm Phả sở hữu tài nguyên du lịch đa dạng với hệ thống các di tích, công trình văn hóa, biển đảo, sinh thái, thuận lợi cho phát triển du lịch tâm linh, sinh thái, nghỉ dưỡng. Phát huy những tiềm năng này, thành phố đã xây dựng kế hoạch phát triển du lịch với các mục tiêu, giải pháp cụ thể. Trong đó, phấn đấu đến năm 2020, đưa du lịch Cẩm Phả trở thành ngành kinh tế quan trọng, thu hút trên 1 triệu lượt khách, doanh thu du lịch đạt khoảng 600-700 tỷ đồng. Đến năm 2025, du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thu hút khoảng 2 triệu lượt khách.

Theo đó, thành phố đang xây dựng Đề án "Định hướng phát triển du lịch TP Cẩm Phả giai đoạn 2020-2030, tầm nhìn 2050". Đây là nền tảng quan trọng thúc đẩy phát triển du lịch của thành phố trong thời gian tới.

Hệ thống tàu cao tốc Cẩm Phả - Cát Bà.

Nhằm thúc đẩy du lịch phát triển, thành phố đã đầu tư cơ sở hạ tầng từ giao thông, đô thị... đến cơ sở lưu trú một cách đồng bộ, đáp ứng nhu cầu của du khách, tăng cường khả năng kết nối vùng. Bằng nhiều giải pháp, thành phố đã tích cực huy động nguồn lực xã hội đầu tư vào lĩnh vực du lịch. Từ đó, hàng loạt các dự án trong lĩnh vực du lịch đã được triển khai như: Khu nghỉ dưỡng suối khoáng nóng cao cấp Quang Hanh, tàu tham quan Vịnh Bái Tử Long, tuyến cao tốc Cẩm Phả - Cát Bà; Cẩm Phả - Quan Lạn, Cẩm Phả - Cô Tô... Bà Phạm Thu Hương, Giám đốc Công ty CP Vũng Đục cho biết: Từ năm 1998 đến nay, Khu du lịch hang động Vũng Đục đã được Công ty đầu tư, nâng cấp. Công ty đã đầu tư hệ thống thang máy, đèn chiếu sáng, lối đi trong hang Vũng Đục... với kinh phí khoảng 15 tỷ đồng nhằm tạo điểm nhấn cho khu du lịch. Tính đến hết tháng 11/2019, khu du lịch này đã đón gần 6.500 lượt khách trong và ngoài nước, tăng gấp 3 lần so với năm 2018.

Thành phố chú trọng đầu tư trùng tu, tôn tạo, mở rộng các di tích... Cụ thể, mở rộng di tích đền Cửa Ông, phường Cửa Ông; trùng tu di tích đền Cả, phường Cẩm Đông; đề nghị xếp hạng di tích Đình làng Cẩm Hải, xã Cẩm Hải; phối hợp với TKV mở rộng Quảng trường 12/11; cải tạo trụ sở Thị ủy Cẩm Phả cũ làm Khu lưu niệm Vùng than Cẩm Phả... Thành phố cũng tập trung kiểm kê hệ thống di tích trên địa bàn, đưa vào danh mục bảo vệ, xây dựng hồ sơ khoa học và đề nghị xếp hạng di tích. Đồng thời, khảo sát, đánh giá, xây dựng kế hoạch dài hạn, báo cáo UBND tỉnh cho việc lập quy hoạch, nghiên cứu, bảo vệ, quản lý và bảo tồn đối với một số công trình kiến trúc thời Pháp. Qua đó, tạo ra sự thay đổi về chất lượng trong hoạt động phát triển du lịch, tạo thương hiệu riêng cho du lịch Cẩm Phả...

Từng bước nâng cao chất lượng

Du khách chụp ảnh lưu niệm tại khu du lịch hang động Vũng Đục.

Nâng cao chất lượng dịch vụ, mở rộng thị trường, phát triển các sản phẩm du lịch tâm linh được thành phố đặc biệt quan tâm. Năm 2016 Lễ hội đền Cửa Ông đã được đưa vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia; địa điểm Bác Hồ về thăm mỏ Đèo Nai được công nhận là Di tích Quốc gia; đình Quang Hanh được công nhận là di tích cấp tỉnh... Năm 2017, Cẩm Phả được công nhận 5 điểm du lịch trên địa bàn: Đền Cửa Ông, Trung tâm Khoáng nóng Địa chất, Bãi tắm Quảng Hồng, Bãi tắm Lương Ngọc, Khu di tích và danh thắng Vũng Đục...

Phát triển tiềm năng về biển, thành phố đang phối hợp với Sở Du lịch xây dựng đề án tổng thể phát triển sản phẩm du lịch biển đảo vịnh Hạ Long - vịnh Bái tử Long - Vân Đồn - Cô Tô nhằm xây dựng các sản phẩm du lịch và liên kết phát triển du lịch trong khu vực.

Cùng với đó, thành phố đã tập trung đổi mới về nội dung, hình thức quảng bá hình ảnh, sản phẩm du lịch, công tác xây dựng thương hiệu du lịch gắn với xây dựng những sản phẩm du lịch, dịch vụ chất lượng cao. Trong đó, thành phố đã đẩy mạnh quảng bá về tiềm năng, thế mạnh của địa phương qua các diễn đàn, các hội chợ, sự kiện, kênh thông tin truyền thông, website, mạng xã hội... Đáng chú ý, thành phố cũng đã tham gia chương trình ký kết hợp tác quảng bá du lịch giữa ba tỉnh Quảng Ninh - Ninh Bình - Thanh Hóa

Nhằm đảm bảo môi trường kinh doanh du lịch, ngăn chặn tình trạng chặt chém, đáp ứng nhu cầu của du khách, thành phố đang duy trì hiệu quả số điện thoại đường dây nóng du lịch để tiếp nhận các thông tin phản ánh của khách. Đồng thời, kiểm tra thường xuyên đối với chuyên ngành doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch, cơ sở lưu trú, nhà hàng trên địa bàn.

Ông Đinh Ngọc Chiến, Phó Chủ tịch UBND thành phố cho biết: Thời gian tới, Cẩm Phả sẽ tăng cường quảng bá Lễ hội đền Cửa Ông và Lễ hội đình Cẩm Hải, khôi phục và hình thành các nhóm, CLB hát Soọng Cô; đẩy mạnh tập huấn về chuyên môn nghiệp vụ cho các chủ cơ sở, lao động hoạt động trong lĩnh vực du lịch... Bên cạnh đó, thành phố sẽ tiếp tục đầu tư nâng cao chất lượng dịch vụ tại các bãi tắm du lịch; xây dựng tuyến phố đi bộ, phố ẩm thực, phố thương mại, phố nghệ thuật; phát triển du lịch tham quan các khai trường sản xuất than. Đặc biệt, thành phố chú trọng xây dựng các sản phẩm du lịch đặc sắc mang nét đặc trưng riêng biệt để thu hút du khách.

Cao Quỳnh

 

Báo Quảng Ninh