Du lịch vùng biên - hướng mũi nhọn thu hút khách
Cập nhật: 10/11/2009
Với 4.550km đường biên giới giáp Trung Quốc, Lào, Campuchia trải dài từ Bắc vào Nam, cùng 20 cửa khẩu quốc tế, Việt Nam có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển du lịch vùng biên giới.

Du lịch vùng biên - hướng đi mũi nhọn

Ông Vũ Thế Bình, Lãnh đạo Vụ lữ hành (Tổng cục Du lịch) nhận định: trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế như hiện nay, để tăng lượng khách quốc tế đến Việt Nam lên 6 - 10 triệu người mỗi năm, thì đầu tư vào du lịch đường bộ vùng biên giới chính là lựa chọn tốt nhất.

Bởi vậy, theo ông Bình, cần tăng cường đầu tư hơn nữa cho con đường thu hút khách quốc tế hiệu quả này, nhất là khách từ Trung Quốc và các nước ASEAN.

Việc lựa chọn điểm du lịch ưu tiên đầu tư làm động lực thúc đẩy phát triển du lịch biên giới toàn tuyến được đánh giá là không khó, bởi mỗi tỉnh biên giới đều có những tiềm năng đặc trưng để tổ chức tour, nhất là các tỉnh vừa có núi vừa có biển.

Chẳng hạn như các tỉnh biên giới có thác nước đẹp và hùng vĩ ở Đông Bắc, Tây Bắc, Tây Nguyên rất thích hợp để tổ chức loại hình du lịch vượt thác mạo hiểm. Tại các tỉnh vừa có núi vừa có biển có thể tổ chức du lịch sinh thái mạo hiểm, thể thao dưới biển, dù bay trên biển… Với các tỉnh có thế mạnh về sông, hồ có thể phát triển loại hình du thuyền độc mộc, thuyền nan, bè tre, câu cá,…

Các sản phẩm du lịch này vừa khai thác được các lợi thế do thiên nhiên ban tặng, vừa giới thiệu được những nét bản sắc văn hóa, lối sống của người dân bản địa và đây chính là sức hấp dẫn, thu hút du khách quốc tế.

Trong những năm qua, lượng khách vào Việt Nam qua đường bộ biên giới chiếm 30% tổng lượng khách quốc tế. Ngoại trừ Quảng Ninh, Lào Cai ở miền Bắc và Thừa Thiên Huế, Quảng Nam ở miền Trung đã có bước phát triển nhất định về du lịch vùng biên, còn các tỉnh biên giới khác vẫn chưa thực sự khai thác được thế mạnh sẵn có.

Lượng khách quốc tế đến các tỉnh biên giới bằng đường sông và đường biển chưa nhiều. Hiện tại khách quốc tế đến Việt Nam bằng đường sông chỉ có thể qua cửa khẩu quốc tế duy nhất là Tịnh Biên ở An Giang.

Khách tới bằng đường biển chủ yếu đến Quảng Ninh, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Kiên Giang. Trong đó, Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) là nơi thu hút nhiều khách nhất, chủ yếu là khách Trung Quốc.

Phát triển du lịch gắn với lợi ích cộng đồng

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Mạnh Cường khẳng định: Chính phủ đã có nhiều chính sách hỗ trợ phát triển du lịch vùng biên giới, nhất là qua cửa khẩu đường bộ, nhưng thực sự vẫn còn rất nhiều khó khăn cần khắc phục để có thể phát triển loại hình du lịch này thành mũi nhọn trong tương lai.

Thúc đẩy du lịch biên giới là yêu cầu bức thiết, không chỉ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của các tỉnh vùng biên, mà còn là động lực quan trọng thúc đẩy phát triển du lịch, kinh tế xã hội nói chung của đất nước. Tuy nhiên, phát triển du lịch tại vùng biên này gắn với cộng đồng, góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững cho người dân vùng sâu, vùng xa ,đồng thời gìn giữ được bản sắc văn hóa đa dạng, hấp dẫn của các dân tộc ít người nơi đây.

Chủ trương của Tổng cục Du lịch trong thời gian tới trong vấn đề này là du lịch vùng biên phải gắn với củng cố an ninh quốc phòng, toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ, an toàn xã hội khu vực biên giới. Các tỉnh vùng biên cần chủ động kêu gọi đầu tư để xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách.

Theo đó, các tỉnh biên giới cần năng động hơn nữa trong việc liên kết với các nước bạn để xây dựng chương trình du lịch liên quốc gia, thu hút khách quốc tế đến Việt Nam bằng đường bộ.

Ngoài các yếu tố đầu tư về đường giao thông, cơ sở lưu trú, chỉnh trang cửa khẩu, hoàn thiện chính sách, quảng bá xúc tiến thì đào tạo nguồn nhân lực làm du lịch biên giới chuyên nghiệp cũng được coi là việc làm cần thiết tại các địa phương vùng biên.
VietnamPlus