Trưng bày "Câu chuyện Mê Kông" tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam
Cập nhật: 22/11/2009
Chiều ngày 25/11/2009, tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, sẽ diễn ra lễ trưng bày "Câu chuyện Mê Kông.

Đây là kết quả của Chương trình hợp tác về di sản văn hóa vì sự phát triển bền vững giữa một số bảo tàng và cơ quan văn hóa của Việt Nam, Lào và Campuchia với Bảo tàng Văn minh thế giới của Thụy Điển.

Trưng bày giới thiệu 9 “câu chuyện” ở 3 nước có sông Mê Kông chảy qua: Việt Nam, Lào và Campuchia. Mỗi câu chuyện là một phác họa về đời sống và văn hoá truyền thống và đương đại của các dân tộc. Công chúng được khám phá các khía cạnh khác nhau: về thiên nhiên, con người và tinh thần qua các câu chuyện như: Gạo nếp (Lào), Chung một cánh đồng (Việt Nam), Thần Nekta (Campuchia); về thương mại, lưu thông và kinh tế: Điện thoại di động (Campuchia), Câu chuyện nghề cá (Việt Nam), Thuốc truyền thống của người Hmông (Lào); cũng như tìm hiểu sự chuyển biến xã hội qua các câu chuyện: Nghề dệt truyền thống (Lào), Cây dừa và cuộc sống (Việt Nam), Giáo dục ở cộng đồng người Chăm (Campuchia)...

Mỗi câu chuyện được thể hiện qua hiện vật kết hợp với hình ảnh và âm thanh để khách tham quan có được trải nghiệm mới về những vùng đất và con người từ bao đời gắn bó với dòng sông Mê Kông. Trưng bày không chỉ giới thiệu sự đa dạng và những nét văn hoá tương đồng, mà còn chuyển tải những ước mơ của các cộng đồng dân cư cũng như những thách thức đối với họ trước sự đổi thay mạnh mẽ của môi trường và văn hóa.

Làm thế nào để tài nguyên của dòng Mê Kông không bao giờ bị cạn kiệt, để kinh tế của người dân vùng Mê Kông phát triển, đồng thời môi trường và bản sắc văn hoá được bảo tồn? Đó là thông điệp mà cuộc trưng bày muốn gửi tới công chúng.

Đây là một cuộc trưng bày lưu động, sau 3 tháng giới thiệu tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, sẽ được đưa đến Bảo tàng tỉnh An Giang, rồi tới các nước Campuchia, Lào và Thụy Điển.
ĐCSVN