Với lịch sử gần 300 năm, làng hương xạ thôn Cao, xã Bảo Khê, thành phố Hưng Yên (tỉnh Hưng Yên), không chỉ thu hút du khách bởi vẻ đẹp rực rỡ của những bó hương đa sắc màu mà còn bởi những giá trị văn hóa đậm đà được truyền nối qua nhiều thế hệ.

Làng nghề hương xạ thôn Cao có truyền thống lịch sử gần 300 năm.
Được biết đến như cái nôi của nghề làm hương từ thế kỷ XVIII và là một trong những điểm du lịch làng nghề nổi tiếng, nghề làm hương nơi đây đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người dân địa phương và cả những tín đồ yêu thích vẻ đẹp của các sản phẩm thủ công truyền thống.
Theo các bậc cao niên thôn Cao, vào khoảng thế kỷ XVIII, bà Đào Thị Khương, người con gái tài sắc của làng xa xứ lấy chồng đã học được nghề làm hương xạ. Sau này, bà truyền nghề lại cho dân làng, từ đó, các thế hệ người dân làng Cao tiếp nối nghề cổ truyền, đến nay cũng phải gần 300 năm.
Để tưởng nhớ tới công ơn của bà, nhân dân thôn Cao lấy ngày 22/8 âm lịch làm ngày giỗ Tổ nghề, dân làng tề tựu tại nhà thờ để thắp nén hương tưởng nhớ đến bậc tiền nhân đã có công lao mang lại ấm no, hạnh phúc cho dân làng.

Làng hương xạ thôn Cao thu hút nhiều du khách đến tham quan, trải nghiệm làm nghề.
Dù đã trải qua nhiều năm làm nghề, nhưng người dân làng hương xạ vẫn lưu giữ được những bí quyết truyền thống, bảo đảm cho chất lượng hương ngày càng tốt, tạo nên hương thơm đặc trưng.
Tiếp nối thế hệ cha truyền con nối, mỗi dòng họ hay mỗi gia đình làm hương ở đây lại có một bài thuốc thảo mộc riêng như: Quế chi, hoàng đàn, hồi, lá hương, đinh hương, cam thảo..., làm nên mùi hương đặc trưng riêng, tạo nên “hồn cốt” của mỗi thương hiệu, góp phần giữ gìn, lưu truyền những giá trị văn hóa đậm đà phong vị truyền thống của dân tộc.
Để làng nghề tồn tại và phát triển, đòi hỏi các quy trình sản xuất hương ở thôn Cao được thực hiện rất tinh tế, tỉ mỉ, chi tiết trong từng công đoạn pha chế, se hương, nhúng hương, phơi và đảo hương, đóng gói.
Nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, người dân nơi đây không ngừng cải tiến mẫu mã, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, quảng bá sản phẩm rộng rãi.
Vì thế, hương xạ ở đây có hình thức đẹp, nhiều mẫu mã như hương vòng, hương nén…, có mùi thanh tao nhẹ nhàng, cháy rất đều lại đậu tàn nên được ưa chuộng, xuất đi các tỉnh và một số nước.
Ông Nguyễn Như Khanh, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề hương thôn Cao chia sẻ, ngày nay, nghề làm hương ở thôn Cao ngày càng phát triển, sản xuất ra các mặt hàng phục vụ đời sống tâm linh cho người dân địa phương và trong cả nước. Sản phẩm hương của làng nghề thôn Cao đã góp phần làm nên nét đẹp văn hóa trong đời sống tinh thần của người dân.
Ông Khanh cũng cho biết, nghề làm hương ở thôn Cao đã trải qua hàng trăm năm. Người làm hương ở thôn Cao theo truyền thống của cha ông, đời nối đời. Con cháu được truyền nghề và cũng cần phải học theo bố mẹ từ nhỏ mới có thể làm ra được những sản phẩm hương bảo đảm về chất lượng và hình thức, mẫu mã.

Ở thôn Cao, ai cũng nhận thức được trách nhiệm giữ gìn và phát triển nghề hương xạ truyền thống.
“Có những đoàn du khách đã đến đây vừa để tham quan, mua sản phẩm tận gốc, vừa trải nghiệm các công đoạn làm hương như se hương nén, quấn hương vòng… Họ đều nói vui rằng, có lẽ phơi hương là công đoạn họ dễ học nhất”, ông Khanh cho hay.
Trước sự biến đổi của xã hội, nghề làm hương không bị mai một mà ngày càng được mở rộng phát triển.
Ông Khanh cũng cho biết thêm, nghề làm hương đem lại công việc và thu nhập ổn định nên ngày nay, nhiều người trẻ ở thôn Cao đã quan tâm đến việc giữ gìn và phát triển nghề sản xuất hương.
Hiện toàn xã có khoảng 180 hộ làm các công việc liên quan đến hương, tạo việc làm cho khoảng 500 lao động. Riêng số lao động làm việc tại làng nghề vào dịp trước Tết Nguyên đán cổ truyền khoảng 1.000-1.200 lao động.
Theo ông Khanh, nghề nào cũng có khó khăn. Hương có năm bán chạy, có năm thị trường ế ẩm. Tuy nhiên, nhờ sự yêu nghề và đoàn kết, cả làng luôn cố gắng vượt qua.
“Người dân làng Cao sống nhờ nghề này, nên ai cũng có trách nhiệm giữ gìn và phát triển nghề làm hương truyền thống”, ông Khanh bày tỏ.
Trung Hưng