Những năm qua, công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh được các cấp, các ngành quan tâm, không chỉ góp phần giáo dục truyền thống yêu nước mà còn đưa Cao Bằng trở thành điểm đến hấp dẫn khách du lịch trong và ngoài tỉnh.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tham mưu UBND tỉnh Cao Bằng ban hành quy định quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh. Phối hợp các sở, ngành liên quan tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, các tầng lớp nhân dân về ý nghĩa, vai trò bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh; tuyên truyền người dân hiểu và thực hiện tốt nếp sống văn minh trong hoạt động lễ hội tại các khu di tích bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú góp phần nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của cá nhân, tập thể đối với việc bảo vệ, gìn giữ các di tích, danh thắng. Tỉnh tiếp tục bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị các di tích lịch sử cách mạng; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số trong xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý, bảo tồn, khai thác, phát huy giá trị các di tích lịch sử, các di sản văn hóa, tạo thành sản phẩm du lịch văn hóa hấp dẫn, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội.
Công tác tu bổ, tôn tạo di tích, quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị các di tích, danh lam thắng cảnh được các ngành, địa phương triển khai hiệu quả. Hằng năm, từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia, nguồn kinh phí tỉnh và nguồn xã hội hóa trùng tu, tôn tạo các di tích được xếp hạng, ưu tiên đầu tư bảo tồn, tôn tạo các di tích xếp hạng cấp quốc gia, các loại hình nghệ thuật truyền thống đặc sắc, lễ hội tiêu biểu. Các đơn vị chuyên môn áp dụng những phương tiện, kỹ thuật truyền thống kết hợp với kỹ thuật hiện đại trùng tu, chống xuống cấp di tích nhằm giữ gìn các yếu tố nguyên gốc mang bản sắc, đặc trưng riêng của di tích. Đối với các di tích có thể khai thác, phục vụ cho du lịch, tỉnh đẩy mạnh đầu tư đồng bộ về cơ sở hạ tầng, kết nối di tích với các danh lam thắng cảnh tạo một quần thể khép kín đa dạng. Hiện nay, hầu hết các di tích đều được đầu tư, nâng cấp mở rộng quy mô nhưng vẫn giữ được những nét truyền thống vốn có, phục vụ tốt nhu cầu tham quan của du khách và nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo của mọi tầng lớp nhân dân. Việc nghiên cứu, bảo tồn, phục dựng lại các lễ hội truyền thống và hướng dẫn các lễ hội truyền thống gắn liền với các di tích trọng điểm của tỉnh đi vào hoạt động đúng hướng và ngày càng phát huy được bản sắc văn hóa truyền thống của địa phương, tạo hiệu quả trong công tác quản lý, bảo tồn và tuyên truyền phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, thu hút du khách.
Toàn tỉnh hiện có 271 di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh với 103 di tích đã được xếp hạng các cấp, trong đó có 3 di tích quốc gia đặc biệt, 26 di tích cấp quốc gia, 74 di tích cấp tỉnh; 2 bảo vật quốc gia (Bia Ma nhai Ngự chế của Vua Lê Thái Tổ khắc trên núi Phja Tém, có niên đại năm Tân Hợi - 1431 và Đôi chuông chùa Đà Quận - còn gọi là chùa Viên Minh, niên đại năm 1611 thời nhà Mạc, hiện lưu giữ tại Khu di tích Chùa Đà Quận, phường Thục Phán).
Nhiều di tích, danh lam thắng cảnh trở thành điểm du lịch hấp dẫn, thu hút khách trong và ngoài tỉnh tham quan, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương, như: Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó; Khu di tích Quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo; Khu di tích Quốc gia đặc biệt Chiến thắng Biên giới năm 1950; Chùa Phật tích Trúc lâm Bản Giốc, các danh lam thắng cảnh như: Thác Bản Giốc, động Ngườm Ngao, Khu du lịch sinh thái Phja Oắc, quần thể hồ Thang Hen, các làng nghề truyền thống nổi tiếng…

Du khách tham quan Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó.
Anh Nông Văn Tú, du khách đến từ Hà Nội chia sẻ: Đến tham quan Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó, tôi được hòa mình vào không gian lịch sử, nơi ghi dấu những hoạt động cách mạng của Bác Hồ và cảm nhận được tinh thần yêu nước, ý chí kiên cường của dân tộc. Cảnh quan Pác Bó cùng với sự tôn tạo về thiết kế mỹ thuật, bố trí trồng các loại hoa, cây cảnh trên các khuôn viên, đường đi làm cho cảnh quan luôn mới. Sự đan xen hài hòa đó tạo cho Pác Bó trở thành bức tranh thiên nhiên nhiều màu sắc gắn với bảo vệ môi trường sinh thái.
Giá trị của các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh không chỉ là nơi tổ chức lễ hội, phục vụ du lịch mà còn là những "địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống yêu nước cho người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ hiểu rõ về lịch sử, những hy sinh, chiến công của cha ông, từ đó bồi đắp lòng yêu nước và ý thức trách nhiệm với quê hương. Tăng cường công tác tuyên truyền cho nhân dân tại các xã, phường có tiềm năng phát triển du lịch gắn với việc bảo tồn hiện trạng danh lam, thắng cảnh. Hướng dẫn các địa phương áp dụng đúng các quy định của Luật Di sản văn hóa trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh, góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi cộng đồng.
Em Nông Hoài Thương, học sinh lớp 10, Trường THPT Cao Bình cho biết: Đến tham quan Khu di tích Quốc gia đặc biệt Chiến thắng Biên giới năm 1950, xã Đức Long, em ngưỡng mộ và tự hào về chiến thắng oanh liệt của quân và dân ta trong Chiến dịch Biên giới năm 1950, một chiến thắng quan trọng trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Em không khỏi xúc động khi chứng kiến những hình ảnh, hiện vật, những câu chuyện về sự hy sinh của các anh hùng liệt sĩ, những người đã không tiếc máu xương vì Tổ quốc.
Để tiếp tục phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, tỉnh chú trọng công tác bảo tồn, trùng tu các di tích. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục trong nhân dân, nhất là thế hệ trẻ về giá trị, ý nghĩa của các khu, điểm di tích trên địa bàn; phối hợp với các đơn vị trường học tổ chức các hoạt động trải nghiệm, ngoại khóa cho học sinh. Tăng cường huy động các nguồn vốn đầu tư và đóng góp của nhân dân để thực hiện bảo vệ, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh.
Ngọc Dung