Lễ gắn biển khánh thành di tích lịch sử quốc gia chùa Phật Tích và Lễ khai quang Đại Phật tượng đá lớn nhất Đông Nam Á
Cập nhật: 27/09/2010
Chuẩn bị cho Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh đã chỉ đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Ninh phối hợp với Chùa Phật Tích tổ chức Lễ gắn biển khánh thành di tích lịch sử văn hóa quốc gia chùa Phật Tích và Lễ khai quang Đại Phật tượng trên núi Phật Tích diễn ra trong hai ngày - đêm 25/9 và sáng 26/9/2010 - tại chùa Phật Tích (xã Phật Tích, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh).

Là một trong những di tích lịch sử văn hóa quốc gia tiêu biểu nhất chứa đựng các giá trị văn hóa mỹ thuật, điêu khắc thời Lý, chùa Phật Tích hiện còn lưu giữ được nhiều hiện vật mang đặc trưng phong cách của nền mỹ thuật cổ điển như tượng A Di Đà bằng đá có niên đại từ thế kỷ 10-11. Chùa tháp Phật Tích trong lịch sử là một ngôi quốc tự (chùa quốc gia) quan trọng, nơi các vua Lý thường về lễ Phật và cầu nguyện cho quốc thái dân an. Đây không chỉ là trung tâm văn hóa Phật giáo mà còn là nơi đào tạo nhân tài cho đất nước. Với những giá trị đặc biệt đó, Phật Tích xứng đáng là di tích quốc gia, nơi gìn giữ bảo vật của đất nước.

Dự án tu bổ, tôn tạo Khu di tích lịch sử văn hóa chùa Phật Tích là công trình trọng điểm của tỉnh Bắc Ninh chào mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Công trình được nhà nước đầu tư 75 tỷ đồng, cùng với sự tham gia đóng góp công đức của nhiều doanh nghiệp và cá nhân Phật tử hảo tâm trong cả nước.

Được khởi công xây dựng từ tháng 2/2007, công trình Đại Phật tượng trên núi Phật Tích được đánh giá là Đại Phật tượng đá lớn nhất Đông Nam Á, là một kì quan mới của tỉnh Bắc Ninh, tạo thêm một điểm nhấn cho cảnh quan vùng Phật Tích. Mẫu tượng được phỏng theo nguyên mẫu của pho tượng Phật A di đà bằng đá xanh hiện đang được thờ trong chùa - kiệt tác của nền mỹ thuật dân tộc với nhiều đường nét tinh xảo. Chính vì vậy, hoa văn, nếp áo của pho tượng Phật khổng lồ này được tạo tác rất công phu.Tượng có chiều cao 19m, tính cả toà sen là 22m và tính cả phần bệ là 27m, nặng 3.000 tấn, đặt ở độ cao 108m so với mực nước biển.

Công trình “khổng lồ” này là thành quả lao động không mệt mỏi của những Phật tử ở khắp nơi trên đất nước. Hàng trăm người thợ làng đá Ninh Vân (Ninh Bình) đã miệt mài suốt 4 năm trong những điều kiện thi công khó khăn trên núi. Họ phải sử dụng đường ray để vận chuyển những khối đá hàng chục tấn lên đỉnh núi để đảm bảo giữ nguyên trạng núi và môi trường xung quanh. Việc thi công lắp ghép Đại Phật tượng được tham khảo bởi nhiều chuyên gia và được đánh giá, xét duyệt rất nghiêm ngặt.

Đại Phật tượng được đặt trên núi Phật Tích với tâm nguyện thức dậy tiềm năng của thiên cổ vì đây là ngọn núi thiêng, núi Phật, đánh dấu nơi đầu tiên phát tích đạo Phật ở Việt Nam.

                                                                                                         Phạm Phương biên tập

giacngo.vn / TITC