Du lịch xứ Thanh hướng tới chuyên nghiệp
Cập nhật: 01/10/2010
Xứ Thanh được thiên nhiên ban tặng cho những món quà tuyệt vời, với đầy đủ các yếu tố “thiên thời, địa lợi”. Điều này thực sự phù hợp với một ngành Du lịch phát triển theo hướng sâu rộng và bền vững. Sau nhiều năm chờ đợi, đến nay ngành Du lịch xứ Thanh đã có những bước phát triển ổn định, đáng khích lệ.

Là vùng đất có nhiều di tích lịch sử văn hóa (DTLSVH), trong đó một số di tích đã được xếp hạng di tích quốc gia: Khu DTLS Lam Kinh, quần thể Di tích Đền Bà Triệu, Thành Nhà Hồ…, nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng như: bãi biển Sầm Sơn với hòn Trống Mái, đền Cô Tiên, Suối cá thần Cẩm Lương, hang Con Moong, động Trường Lâm, động Tiên Sơn, thác Bảy Tầng, Vườn quốc gia Bến En, động Từ Thức, Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, Pù Hu, rừng già Hà Trung cùng những vùng núi - hồ - đảo - hang động - chim thú vô cùng phong phú đa dạng..., từ lâu, xứ Thanh đã phù hợp với các loại hình du lịch hấp dẫn như: tắm biển, vui chơi giải trí, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, thể thao mạo hiểm, tham quan rừng biển, du lịch văn hóa...

                Một góc khu di tích Lam Kinh

     Du khách tham quan Vườn quốc gia Bến En

Với việc khai thác hiệu quả nhiều loại hình du lịch, đã góp phần đa dạng dịch vụ và sản phẩm du lịch xứ Thanh. Đây cũng là yếu tố tăng số ngày lưu trú của khách du lịch mỗi khi đến với Thanh Hóa tham quan, nghỉ dưỡng, đồng thời hứa hẹn lượng khách du lịch trở lại nhiều hơn sau mỗi lần đến đây.

Nếu như, giai đoạn 2001-2005, ngành du lịch tỉnh đón được 3.409.269 lượt khách, doanh thu đạt khoảng 774.825 triệu đồng, khi bước sang giai đoạn 2006-2010, toàn tỉnh ước đón được 10,445 triệu lượt khách, gấp 2,74 lần so với giai đoạn 2001-2005, doanh thu đạt khoảng 3.683.500 triệu đồng.

Du lịch đã mở ra cho Thanh Hóa khá nhiều nghề, tạo việc làm cho hàng vạn lao động, đời sống của người dân nhờ đó cũng ngày một no đủ. Nhờ vậy, những năm vừa qua các chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế du lịch luôn đạt khá cao, trở thành ngành kinh tế có những đóng góp quan trọng vào tổng thu nhập GDP của tỉnh

Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh, cho biết: Trong những năm qua, được sự quan tâm của tỉnh, sự hỗ trợ tích cực của Tổng cục Du lịch, ngành Du lịch Thanh Hóa đã xây dựng, hoàn thiện nội dung dự thảo các văn bản hướng dẫn để trình UBND tỉnh ban hành, góp phần tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho các hoạt động du lịch phát triển. Hầu hết các khu, điểm du lịch quan trọng của tỉnh đã được quy hoạch và triển khai lập các dự án đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng du lịch. Tính đến nay, đã có 38 dự án đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch được triển khai thực hiện với tổng kinh phí phê duyệt trên 350 tỷ đồng, trên cơ sở đó, đã thu hút được các doanh nghiệp xúc tiến, lập và triển khai đầu tư các dự án kinh doanh du lịch. Tại các khu, điểm du lịch mới hiện có 48 dự án đã và đang xúc tiến đầu tư kinh doanh du lịch với tổng số vốn đăng ký khoảng 14.000 tỷ đồng. Hệ thống cơ sở lưu trú (472) ngày càng lớn mạnh về số lượng và chất lượng phục vụ với 8.953 phòng ngủ và 19.900 giường, trong đó có 47 khách sạn, resort được xếp hạng từ 1 đến 4 sao, chất lượng dịch vụ khá chuyên nghiệp; hệ thống dịch vụ du lịch đạt chuẩn, những điểm mua sắm, ăn uống bảo đảm chất lượng, được du khách hài lòng, như: khách sạn Sao Mai, Noriko, Hạc Trắng, Bộ Xây dựng, Liên đoàn lao động tỉnh, Bộ Tài chính; trong kinh doanh lữ hành có Công ty CP Quốc tế Hữu Nghị, Công ty Taxi Mai Linh và trong kinh doanh nhà hàng có Công ty CP Dạ Lan, Rừng trong phố...

Mục tiêu của du lịch xứ Thanh là đón được khoảng 4 triệu lượt khách vào năm 2015, trong đó có 100.000 lượt khách quốc tế. Mục tiêu này hoàn toàn có thể đạt được, thậm chí lượng khách còn lớn hơn thế nếu các nhà quản lý cũng như các đơn vị có quan điểm và cách làm du lịch mang tính chuyên nghiệp theo hướng bài bản, hiện đại.

Hiện nay, ngành du lịch đang xúc tiến triển khai đề án phát triển du lịch Thanh Hóa thành địa bàn trọng điểm du lịch quốc gia; tham mưu cho HĐND, UBND tỉnh ban hành chính sách phù hợp với đặc thù của từng địa phương, khuyến khích đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh; phối hợp với các địa phương, các ngành xây dựng một số quy hoạch phát triển du lịch như quy hoạch phát triển du lịch Pù Luông, du lịch biển đảo, Bến En, Cửa Đặt, đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng một số khu du lịch trọng điểm, nhất là Khu Du lịch Lam Kinh, Thành nhà Hồ kết hợp với việc đẩy mạnh công tác trùng tu tôn tạo một số di tích quan trọng. Bên cạnh đó, việc nâng cấp, mở rộng hệ thống giao thông đường thủy, đường bộ cũng như dịch vụ vận tải du lịch như: xe điện, tàu cao cấp du lịch biển, du lịch đường sông là rất cần thiết. Những loại hình này đáp ứng nhu cầu của khách du lịch cao cấp, có mức chi tiêu lớn, đem lại nguồn thu hơn hẳn cách làm dịch vụ du lịch như hiện nay.
Báo Thanh Hóa