Những năm gần đây, các điểm du lịch ở hai huyện Sa Pa, Bắc Hà và thành phố Lào Cai (Lào Cai) được chú ý đầu tư, góp phần thu hút khách du lịch, đặc biệt là khách du lịch quốc tế đến Lào Cai, đồng thời, làm đổi thay diện mạo kinh tế du lịch Lào Cai.
Những con số ấn tượng

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Đình Dũng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa,Thể thao và Du lịch Lào Cai cho biết: Kết quả thực hiện "Đề án phát triển kinh tế du lịch Lào Cai giai đoạn năm 2006 - 2010", tạo điều kiện cho ngành tự tin bước vào giai đoạn mới. Năm 2006, du lịch Lào Cai đón 560.000 lượt khách, vượt 1,81% kế hoạch và doanh thu đạt 280 tỷ đồng. Năm 2009, mặc dù kinh tế thế giới suy thoái, gây tâm lý e ngại cho du khách, song ngành đã chủ động vượt qua khó khăn, đón 700.451 lượt khách, doanh thu đạt 513,422 tỷ đồng, vượt 16,7% kế hoạch, tăng 18,3% so với năm 2008. Sáu tháng đầu năm 2010, đón 478.00 lượt khách, bằng 58% kế hoạch năm, tăng 44% so với cùng kỳ năm trước, doanh thu đạt trên 431 tỷ đồng, bằng 62% kế hoạch năm.
Một số loại hình du lịch đã khai thác có hiệu quả, như: du lịch nghỉ dưỡng tại Sa Pa, Bắc Hà; du lịch sinh thái, mạo hiểm (gắn với sông Chảy, Fansipan, đi bộ thăm các bản làng, hang động, thác nước...); du lịch văn hóa, cộng đồng; du lịch tâm linh; du lịch mua sắm... Đến nay, định hướng không gian du lịch trên địa bàn từng bước được mở rộng thông qua việc khảo sát và khai thác thêm các tuyến, điểm du lịch cộng đồng mới. Các tuyến ngoại tỉnh cũng đã được hình hành, trong đó tập trung vào khách Trung Quốc đi bằng thẻ du lịch theo tuyến Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh và các tỉnh phía nam.
Khu du lịch Bắc Hà đã quy hoạch các điểm du lịch, đầu tư và đưa vào khai thác, sử dụng: Chợ văn hóa Bắc Hà, dinh thự cổ Hoàng A Tưởng, đền Bắc Hà, Bản Phố; khôi phục, bảo tồn các lễ hội và trò chơi dân gian, đặc biệt là tổ chức giải đua ngựa truyền thống.
Thành phố Lào Cai được xác định là cầu nối các tuyến du lịch cho khách Việt Nam sang Trung Quốc và khách Trung Quốc qua Lào Cai thăm các tỉnh khác của Việt Nam, đồng thời là một trong những điểm đến trong chương trình du lịch "Về cội nguồn" của 3 tỉnh Lào Cai - Yên Bái - Phú Thọ, do đó đã thu hút được nhiều nguồn lực đầu tư vào lĩnh vực du lịch, trong đó có 12 doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào các lĩnh vực du lịch sinh thái, khách sạn cao cấp với tổng vốn đầu tư trên 800 tỷ đồng.
 |
Du khách tham quan Núi Hàm Rồng |
Toàn tỉnh hiện có 335 cơ sở lưu trú, với 3.926 phòng, tập trung tại Sa Pa, Bắc Hà và thành phố Lào Cai. Số lượng cơ sở lưu trú vượt 19,6% so với mục tiêu của đề án. Sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ truyền thống và dịch vụ đã được quan tâm đầu tư, nhiều cơ sở vui chơi, giải trí được hình thành như: Khu du lịch sinh thái Thanh Kim, Hàm Rồng (Sa Pa); Hồ Na Cồ (Bắc Hà), công viên Nhạc Sơn (Tp Lào Cai)... đáp ứng nhu cầu của du khách.
Phát triển du lịch bền vững
Năm 2010, ngành du lịch Lào Cai phấn đấu đón 820.000 lượt khách du lịch (trong đó khách quốc tế 330.000 lượt), doanh thu đạt 700 tỷ đồng.
Để hoàn thành kế hoạch, khắc phục khó khăn trước mắt và lâu dài, ngành du lịch tập trung triển khai các giải pháp chính là: Kiện toàn và nâng cao năng lực bộ máy quản lý nhà nước về du lịch, đồng thời triển khai hiệu quả công tác cải cách thủ tục hành chính về du lịch theo Đề án 30 của Chính phủ. Đầu tư kết cấu hạ tầng du lịch, bố trí vốn để triển khai đầu tư các dự án. Ngoài ra, tiếp tục tăng cường thu hút đầu tư các dự án du lịch lớn tại Sa Pa, thành phố Lào Cai, đặc biệt là Bắc Hà bằng nguồn vốn của các doanh nghiệp và các nguồn vốn khác để nâng cao chất lượng các khu vui chơi, giải trí và dịch vụ du lịch. Tăng cường công tác đào tạo nguồn nhân lực nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ quản lý nhà nước về du lịch, quản lý kinh doanh, người lao động và cộng đồng tham gia phát triển du lịch. Đẩy mạnh hơn nữa công tác xúc tiến du lịch và huy động nguồn lực tài trợ để tổ chức các sự kiện văn hóa, du lịch của tỉnh, tăng cường hợp tác quốc tế và khu vực cho phát triển du lịch. Khai thác hợp lý các nguồn lực, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống để phát triển du lịch. Tiếp tục xếp hạng các khu, tuyến, điểm du lịch theo mục tiêu của đề án, mở rộng không gian du lịch tới các xã có tiềm năng phát triển du lịch văn hóa, cộng đồng. Thúc đẩy phát triển các loại hình du lịch có thế mạnh của Lào Cai gắn với sinh thái, văn hóa dân tộc... thông qua chính sách khuyến khích phát triển du lịch, gắn với việc nâng cao chất lượng dịch vụ, xây dựng thương hiệu, có tính cạnh tranh cao, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.