Hà Giang xác lập kỷ lục Guinness: Chiếc khèn Mông lớn nhất Việt Nam
Cập nhật: 22/08/2011
Tối 21/8, tại huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang đã khai mạc "Festival Khèn Mông Cao nguyên đá Đồng Văn". Đây là sự kiện mở đầu của Tuần lễ "Ấn tượng cao nguyên đá Đồng Văn" gồm: Festival khèn Mông, đêm phố cổ Đồng Văn, Hội chọi bò vùng cao… Tại đây đã xác lập kỷ lục Guinness: Chiếc Khèn Mông lớn nhất Việt Nam.

"Festival Khèn Mông Cao nguyên đá Đồng Văn" thu hút hơn 500 nam, nữ diễn viên quần chúng và không chuyên của các huyện Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh, Quản Bạ, Hoàng Su Phì, Xín Mần, Bắc Quang tham gia biểu diễn các tiết mục ca múa nhạc mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc vùng cao của Hà Giang nói riêng, vùng núi phía Bắc nói chung. Trong khuôn khổ "Festival Khèn Mông Cao nguyên đá Đồng Văn" còn tổ chức các buổi Hội thảo thu hút gần một trăm nghệ nhân dân gian; các nhà văn, nhà thơ là người dân tộc sinh ra và lớn lên trên chính vùng cao nguyên đá Đồng Văn; các nhà dân tộc học… đến nghiên cứu, trao đổi về các vấn đề nhằm gìn giữ, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá dân tộc Mông.  

Tại đêm khai mạc "Festival Khèn Mông Cao nguyên đá Đồng Văn", Ban Tổ chức đã trưng bày chiếc Khèn Mông lớn nhất Việt Nam, được công nhận xác lập Kỷ lục Guinness Việt Nam. Chiếc khèn này có chiều cao 10m, dài 12m; có tỷ lệ lớn gấp 10 lần so với chiều cao, chiều dài và lớn gấp 100 lần so với thể tích chiếc khèn bình thường của người Mông Hà Giang. Thân khèn được làm bằng cây gỗ sa mộc, là loài cây nằm trong họ cây quý Hoàng Đàn có tuổi thọ hàng trăm năm. Các gióng âm của khèn được làm từ những cây tre dài, thẳng, đẹp do các nghệ nhân chọn lựa rất kỹ lưỡng. Ông Vương Quỳnh Sèo, một hậu duệ của Vua Mèo Vương Chí Sình, là người trực tiếp chỉ đạo và cùng với hơn một chục nghệ nhân khác cùng nhau làm nên chiếc khèn kỷ lục này. Ông Vương Quỳnh Sèo cho biết để làm ra chiếc khèn này, những nghệ nhân phải thực hiện rất nhiều công đoạn, từ lựa chọn cây sa mộc đủ to, đủ dài để làm thân khèn, cho đến việc lựa chọn đủ 6 cây tre thật thẳng, thật chắc chắn để làm gióng âm. Sau gần nửa năm miệt mài gọt đẽo, chau chuốt, lắp ráp… chiếc khèm mới hoàn thành. Ông Vương Quỳnh Sèo còn khẳng định rằng, chiếc khèn này hoàn toàn đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật tương tự như một chiếc khèn bình thường, nghĩa là nếu có đủ các phương tiện để thổi hơi vào nó thì sẽ phát ra được âm thanh như những chiếc khèn khác.  

Bên lề đêm khai mạc "Festival Khèn Mông Cao nguyên đá Đồng Văn", ông Nguyễn Trùng Thương, Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang cho biết: từ Festival lần này, tỉnh Hà Giang sẽ rút kinh nghiệm, sau đó nhân rộng, rồi làm các thủ tục cần thiết để trình Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cho phép nâng cấp thành "Festival Khèn Mông khu vực các tỉnh miền núi phía Bắc", tổ chức định kỳ 2 năm một lần.  

Trong một tuần tới, cả vùng cao nguyên đá Đồng Văn rộng lớn, nơi được công nhận là Công viên địa chất toàn cầu sẽ được sống trong một bầu không khí lễ hội sôi động. Qua đó, giá trị văn hoá dân tộc của dân tộc Mông nói riêng, của 22 dân tộc anh em tỉnh Hà Giang nói chung sẽ được gìn giữ, bảo tồn và phát huy; làm cho người dân nơi đây thêm ấm lòng, tự tin, kiên cường trụ vững nơi biên cương, phên dậu địa đầu cực Bắc của Tổ quốc.

ĐCSVN