Du lịch được xác định là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh Quảng Ninh. Những năm qua, Công an tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp nhằm góp phần giữ gìn an ninh trật tự (ANTT), tạo môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội nói chung, thúc đẩy dịch vụ du lịch nói riêng, tạo ấn tượng tốt đẹp cho du khách trong và ngoài nước khi đến với Quảng Ninh.
|
Lực lượng công an thường xuyên hướng dẫn nhân viên khách sạn trên địa bàn tỉnh đảm bảo công tác quản lý lưu trú đối với khách du lịch |
Những năm gần đây, khách du lịch trong và ngoài nước đến Quảng Ninh ngày một tăng nhanh. Trung bình mỗi năm có tới hàng triệu lượt khách trong và ngoài nước đến tham quan, du lịch trên địa bàn tỉnh. Xác định rõ tầm quan trọng của công tác đảm bảo ANTT trong hoạt động du lịch, nhiều năm qua, Công an tỉnh đã luôn coi trọng và triển khai các biện pháp, phương án đảm bảo ANTT, an toàn hoạt động du lịch. Căn cứ vào tình hình thực tiễn, hàng năm, Công an tỉnh đều xây dựng kế hoạch triển khai công tác đảm bảo ANTT, trong đó có việc đảm bảo an toàn an ninh du lịch. Khi đã xây dựng được kế hoạch, Công an tỉnh chú trọng việc quán triệt và triển khai đến các đơn vị, công an các địa phương trên địa bàn; xác định rõ nội dung nhiệm vụ, giải pháp và phân công trách nhiệm cụ thể cho các đơn vị trong đảm bảo ANTT, quản lý môi trường kinh doanh du lịch, nhất là đối với công an các địa phương: Hạ Long, Uông Bí, Vân Đồn, Quảng Yên, Đông Triều, Móng Cái. Từng quý, Công an tỉnh đều tổ chức sơ kết, đánh giá và sau đó tiếp tục ban hành điện chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương thực hiện nghiêm nhiệm vụ đặt ra trong quản lý môi trường kinh doanh du lịch thời gian tới.
Hàng năm, Công an tỉnh đều tham gia Đoàn liên ngành của tỉnh kiểm tra các tổ chức, doanh nghiệp hoạt động dịch vụ du lịch nhằm đánh giá việc thực hiện các văn bản chỉ đạo, quy định của Nhà nước, của tỉnh về công tác này. Công an tỉnh cũng thường xuyên chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ và công an các địa phương trọng điểm về du lịch tăng cường tự tổ chức kiểm tra, chấn chỉnh công tác quản lý môi trường kinh doanh du lịch gắn với tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp lữ hành du lịch, cơ sở lưu trú, dịch vụ lưu trú… phát huy tốt các mô hình “tự quản về ANTT”; thực hiện các quy định đăng ký, quản lý người nước ngoài lưu trú tại cơ sở… Công an các địa phương trong tỉnh đã tập trung tổ chức tốt công tác nắm tình hình, kịp thời phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn hiệu quả mọi âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch và các loại tội phạm lợi dụng du lịch để tiến hành các hoạt động chống phá, vi phạm pháp luật; tăng cường quản lý nhà nước về ANTT trên các lĩnh vực, mà trọng tâm là công tác quản lý xuất nhập cảnh, người nước ngoài, hoạt động tạm trú, tạm vắng, ngành nghề kinh doanh có điều kiện, phòng chống cháy nổ, quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, đảm bảo TTATGT, trật tự đô thị... Công an các địa phương nêu trên đã huy động tổng hợp các lực lượng tham gia tuần tra, canh gác, bảo vệ các địa bàn, mục tiêu trọng điểm, nơi diễn ra các hoạt động du lịch. Đồng thời chủ động xây dựng các phương án, tình huống phức tạp về ANTT trong hoạt động du lịch có thể xảy ra, như khủng bố, phá hoại, gây rối, gây cháy nổ, trộm cắp, ùn tắc giao thông... để diễn tập, nhằm đảm bảo an toàn trong mọi tình huống. Song song với các biện pháp trên, Công an tỉnh cũng chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương chấp hành nghiêm chế độ trực ban, trực chiến và chế độ thông tin báo cáo phục vụ công tác đảm bảo ANTT, phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng trên địa bàn triển khai đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại mỗi địa phương, đặc biệt là các địa bàn có đông du khách; coi trọng việc tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền các cấp tập trung giải quyết dứt điểm các vấn đề liên quan đến ANTT nảy sinh ngay tại cơ sở, không để tác động ảnh hưởng gây mất an toàn trên địa bàn và các hoạt động trong mùa du lịch hàng năm ở địa phương. Kiên quyết không để xảy ra đột xuất, bất ngờ làm ảnh hưởng đến ANTT trên địa bàn và hoạt động du lịch của tỉnh.
Nhờ thực hiện đồng bộ các biện pháp nói trên, những năm qua, an ninh cho hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh luôn được giữ vững, tạo môi trường lành mạnh để ngành “công nghiệp không khói” của tỉnh phát triển nhanh và để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp cho du khách trong và ngoài nước khi đến Quảng Ninh. Chỉ tính từ năm 2012 đến nay, Công an tỉnh đã bảo vệ an toàn tuyệt đối trên 100 đoàn lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, khách quốc tế đến Quảng Ninh tham quan, hội nghị, hội thảo và phối hợp đảm bảo an toàn tuyệt đối cho hơn 110 đoàn với gần 2.000 khách nước ngoài vào thăm, làm việc và tuyên truyền cho Vịnh Hạ Long; trên 1,25 triệu lượt khách nước ngoài tạm trú, trong đó có hơn 25 vạn lượt khách nghỉ đêm trên Vịnh Hạ Long. Công an các địa phương, đơn vị trong tỉnh đã tổ chức quản lý, kiểm tra gần 3.700 lượt cơ sở kinh doanh có điều kiện về ANTT, nhất là cơ sở cho thuê lưu trú, tạm trú đối với người nước ngoài, qua đó đã phát hiện, xử lý 249 cơ sở vi phạm, phạt gần 200 triệu đồng; phối hợp tuần tra, thanh tra, xử lý 310 lượt quán bán hàng rong, vi phạm quy định về quản lý lòng đường, vỉa hè, bãi tắm, cảng tàu; tổ chức kiểm tra, xử lý vi phạm về bảo vệ môi trường đối với 70 doanh nghiệp du lịch, 40 doanh nghiệp khách sạn, 510 tàu du lịch, 5 nhà máy xi măng, điện có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường Vịnh Hạ Long và Vịnh Bái Tử Long…
Theo thượng tá Nguyễn Bá Bính, Phó Giám đốc Công an tỉnh: Để công tác đảm bảo an toàn hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh ngày càng đi vào nền nếp và đem lại kết quả bền vững, Công an tỉnh sẽ luôn duy trì, thực hiện quyết liệt, hiệu quả các biện pháp nói trên. Các ngành, các cấp, các địa phương có hoạt động du lịch cần nâng cao hơn nữa công tác quản lý nhà nước về du lịch nói chung, quản lý môi trường kinh doanh du lịch nói riêng và thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ của mình khi được phân công. Đồng thời phải phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các ngành chức năng trong công tác quản lý, xử lý, giải quyết các vấn đề phát sinh trong hoạt động du lịch. UBND các địa phương cần tăng cường tuyên truyền, bổ sung cắm các biển cấm bán hàng rong tại các điểm du lịch tập trung; tăng cường kiểm tra và thông báo rõ các số điện thoại đường dây nóng, hộp thư góp ý để xử lý, giải quyết các vấn đề liên quan trong hoạt động du lịch.