Email | Hòm thư góp ý | Liên hệ | Sơ đồ web
 
Khái quát chungTổng quanLịch sửDân cưTôn giáo và tín ngưỡngVăn hóaPhong tục tập quánNgôn ngữ văn họcLễ hội & trò chơi dân gianNghệ thuật biểu diễnTrang phụcKiến trúc, mỹ thuậtMón ăn, hoa, tráiChợĐơn vị hành chính
Đàn một dây của người Việt, gảy bằng que hoặc miếng gảy. Hộp cộng hưởng xưa kia bằng ống bương, tre, nay thường được làm bằng gỗ cứng. Dây đàn được cuốn vào trục ở phía dưới mặt đàn, đầu kia buộc vào vòi đàn nơi có gắn núm một quả bầu khô (nay được làm bằng gỗ). Do có núm bầu này mà có tên là "đàn bầu".

Vòi đàn vót từ cật tre hoặc sừng trâu cắm xuyên qua mặt đàn xuống tới đáy ở phía đầu đàn. Đó là bộ phận cơ bản để tạo nên các cao độ. Nhờ chiếc vòi dẻo này người chơi đàn có thể điều chỉnh độ căng - chùng của dây đàn để tạo nên những chuỗi âm cao thấp nối tiếp nhau khi khoan khi nhặt một cách mềm mại uyển chuyển chỉ với một lần gảy trên dây. Một nét đặc sắc nữa là trong kỹ thuật diễn tấu hoàn toàn chỉ sử dụng âm bồi, do đó âm sắc của đàn bầu đặc biệt êm dịu, tinh khiết. Kết hợp với khả năng luyến láy rất mềm mại nói trên, âm thanh đàn bầu vì vậy rất gần với giọng người.

Đàn được dùng để đệm cho hát, cho ngâm thơ, độc tấu và tham gia hoà tấu trong nhiều loại dàn nhạc cổ truyền cũng như dàn nhạc mới.