Đà Nẵng - Cần Thơ bắt tay làm du lịch
Cập nhật: 30/08/2013
Tiềm năng du lịch của Đà Nẵng và Cần Thơ rất đa dạng và mang tính đặc thù cao. Để khai thác lợi thế của nhau, hai địa phương đã liên kết nhằm tạo ra các sản phẩm du lịch mới, hỗ trợ phát triển vì lợi ích chung.
Gắn kết sự khác biệt
Nếu Đà Nẵng quyến rũ du khách thập phương với bờ biển dài và đẹp thì Cần Thơ từ lâu được biết đến với những miệt vườn trái cây dập dềnh trên sông nước. Những năm trở lại đây, du lịch biển của Đà Nẵng trở thành thương hiệu lớn ở miền Trung với sự đầu tư cơ sở hạ tầng và các dịch vụ biển đa dạng và hấp dẫn. Còn du lịch sông nước của Cần Thơ với nét chân chất và bình dị của cuộc sống nông thôn cũng có tiếng từ lâu ở miền Tây Nam Bộ. Ông Nguyễn Xuân Bình, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến du lịch Đà Nẵng, cho biết: “Nhờ những đặc thù du lịch riêng biệt đã tạo thuận lợi cho Đà Nẵng và Cần Thơ gắn kết nhau để từ đó xây dựng các chương trình tour giữa hai địa phương không chỉ dành cho người dân bản địa, mà còn với du khách, thương nhân đến từ các địa phương khác trong nước và quốc tế”.
Theo các chuyên gia đánh giá, Đà Nẵng và Cần Thơ có vị trí địa lý quan trọng trên các vùng kinh tế trọng điểm quốc gia nhưng chưa khai thác hết tiềm năng để phát triển du lịch. Đà Nẵng được xem là trung tâm trên Con đường di sản miền Trung và Hành lang Kinh tế Đông Tây, còn Cần Thơ là “kinh đô” của vùng sông nước miền Tây. Vì vậy, hai địa phương này có thể trở thành tâm điểm kết nối tour tham quan các tỉnh trong vùng, rất thuận lợi cho việc chu chuyển dòng khách. Theo đó, thành phố Đà Nẵng sẽ kết nối tour Huế, Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình), Hội An, Thánh địa Mỹ Sơn (Quảng Nam) với những thương hiệu của riêng mình như lễ hội pháo hoa quốc tế, những cây cầu nổi tiếng, du lịch biển… để đón du khách thành phố Cần Thơ và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Trong khi đó, thành phố Cần Thơ liên kết các tỉnh lân cận như Vĩnh Long, Sóc Trăng, Bạc Liêu, An Giang... để nối tour, đồng thời tổ chức lễ hội bánh dân gian, ngày hội trái cây, chợ nổi, văn hóa tâm linh... được rất nhiều du khách Đà Nẵng và miền Trung thích khám phá.
“Hai địa phương liên kết để phát triển các tour du lịch sẽ có khả năng đáp ứng nhu cầu với thời gian dài cho du khách thông qua việc xây dựng các chương trình tour có sự gắn kết giữa du lịch sinh thái, du lịch tâm linh, du lịch biển, du lịch văn hóa… mang bản sắc của từng địa phương”, ông Lê Minh Sơn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Cần Thơ, nhìn nhận.
Mở đường bay trực tiếp
Để tạo thuận lợi trong hợp tác phát triển du lịch, các doanh nghiệp lữ hành đều mong muốn lãnh đạo hai địa phương phối hợp cơ quan chức năng sớm xúc tiến mở đường bay trực tiếp Đà Nẵng - Cần Thơ và ngược lại. Thực ra, mong muốn này được “nuôi dưỡng” gần chục năm nay và không ít các cuộc họp liên kết và giao lưu du lịch được tổ chức ở Đà Nẵng và Cần Thơ đều được các bên nêu ra. Cuối năm 2012, các công tác chuẩn bị cho đường bay này dường như đã hoàn tất nhưng đến ngày cuối cùng đường bay vẫn chưa được mở. Nhiều văn bản của Công ty Lữ hành Vitours (Đà Nẵng) và Công ty Du lịch Cần Thơ khảo sát hạ tầng và nhu cầu khách rất bài bản và chi tiết nhằm tạo sự hỗ trợ từ chính quyền nhưng đến nay vẫn còn nằm trên giấy.
Theo thống kê của Trung tâm Xúc tiến du lịch Đà Nẵng, trong năm 2012 đã có 35 nghìn lượt khách chu chuyển giữa Đà Nẵng và Cần Thơ. Không chỉ vậy, nhu cầu vận chuyển hàng hóa (hải sản tươi sống, trái cây, hàng chuyển phát nhanh) giữa hai địa phương trong những năm gần đây cũng tăng lên đáng kể. “Chúng ta cần đường bay Đà Nẵng - Cần Thơ”, ông Benoit Perdu, Giám đốc Công ty TransMekong (Cần Thơ), đề nghị. Theo doanh nhân này, sau khi khảo sát thị trường khách quốc tế, các công ty lữ hành lớn đã đưa ra con số khá hấp dẫn, khoảng 30% hành khách nước ngoài muốn bay giữa Cần Thơ - Đà Nẵng, tức gần 200.000 khách nước ngoài mỗi năm. “Việc mở đường bay Đà Nẵng-Cần Thơ là cần thiết, thông qua đó có thể giảm được chi phí vận chuyển và giảm thời gian lưu chuyển giữa các địa phương”, ông Benoit Perdu nhận định. Nhiều doanh nghiệp du lịch cũng khẳng định, đường bay Đà Nẵng - Cần Thơ là yếu tố quan trọng thúc đấy lượng khách chu chuyển giữa hai địa phương tăng lên đáng kể, nhằm đưa Đà Nẵng và Cần Thơ trở thành điểm đến chính chứ không còn nằm ở vị trí trung chuyển.
Ông Lê Xuân Sơn, đại diện Hãng hàng không Vietnam Airlines (VNA), Chi nhánh tại Đà Nẵng, cho biết đường bay trực tiếp sẽ có lợi thế lớn về mặt thời gian và sự tiện lợi, đồng thời tăng khả năng cạnh tranh cao với các phương tiện giao thông vận tải khác nhằm phát huy được thế mạnh du lịch của hai địa phương. Theo đề án của VNA, dự kiến đường bay mới này sẽ có tần suất khoảng 4-5 chuyến/tuần, với mức giá bằng đường bay Đà Nẵng - thành phố Hồ Chí Minh. Theo VNA dự báo, lượng khách sử dụng đường bay Đà Nẵng - Cần Thơ chủ yếu từ 3 nguồn chính: Khách du lịch giữa hai địa phương chiếm 80%, khách lao động chiếm 15%, khách công vụ chiếm 5%.
Báo Đà Nẵng
|
|
|