Kế hoạch hưởng ứng Chương trình kích cầu du lịch năm 2013 của tỉnh Hải Dương
Cập nhật: 30/08/2013
(TITC) - Cùng với nhiều địa phương khác trong cả nước, Hải Dương đang tích cực hưởng ứng Chương trình kích cầu du lịch năm 2013 do Tổng cục Du lịch phát động nhằm kích thích nhu cầu du lịch của người dân, góp phần thúc đẩy các ngành dịch vụ phát triển, vượt qua giai đoạn kinh tế khó khăn hiện nay. Mục tiêu của du lịch Hải Dương khi triển khai chương trình này là quảng bá các sản phẩm và dịch vụ du lịch độc đáo của địa phương, góp phần nâng cao vị thế và đưa hình ảnh du lịch Hải Dương đến với du khách trong nước và bạn bè quốc tế, thu hút mạnh mẽ khách du lịch đến Hải Dương.

Tiềm năng du lịch Hải Dương

 

                                                    Đền Chu Văn An

Thuộc khu vực Đồng bằng sông Hồng, Hải Dương là tỉnh có nhiều cảnh quan đẹp như: thác nước, hồ, khe, hẻm núi…; có điểm tập trung đa dạng sinh học đặc trưng hệ sinh thái đồng bằng (đảo Cò); có số lượng và mật độ di tích lịch sử, văn hóa thuộc diện lớn nhất cả nước, trong đó có Khu di tích, danh thắng đặc biệt cấp quốc gia Côn Sơn - Kiếp Bạc với quần thể các di tích chùa, miếu, am… được xây dựng trên địa hình núi cao, trong khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ. Hải Dương cũng là địa phương có số lượng di tích về các danh nhân nhiều nhất nước như đền thờ Nguyễn Trãi, Trần Hưng Đạo, Tuệ Tĩnh, Mạc Đĩnh Chi, Nguyễn Thị Duệ; có số lượng các lễ hội chiếm tới gần 10% trong tổng số lễ hội toàn quốc, trong đó có nhiều lễ hội đặc sắc như: Lễ hội mùa Xuân Côn Sơn – Kiếp Bạc, Lễ hội mùa Thu Kiếp Bạc, hội Côn Sơn, Lễ hội về nguồn tại đền thờ Chu Văn An, Lễ hội truyền thống Mao Điền... Nơi đây còn là quê hương của nghệ thuật dân gian rối nước - loại hình nghệ thuật truyền thống đặc sắc của Việt Nam; có hệ thống làng nghề phát triển; đặc sản ẩm thực phong phú, đa dạng.

 

Hiện tỉnh đã hình thành nhiều khu, điểm du lịch trọng điểm như: khu Côn Sơn - Kiếp Bạc, khu An Phụ - Kính Chủ, khu du lịch thành phố Hải Dương, điểm du lịch sinh thái đảo Cò Chi Lăng Nam. Ngoài ra, một số điểm tham quan di tích, làng nghề khác cũng đang hình thành và phát triển như: di tích đền Cao, đền Tranh, đền Khúc Thừa Dụ, Văn miếu Mao Điền; làng nghề múa rối nước Hồng Phong, gốm cổ Chu Đậu, chạm khắc gỗ Đông Giao, thêu Hưng Đạo…

Nằm ở vùng phụ cận trung tâm du lịch Hà Nội và có mối quan hệ mang tính liên vùng với các tỉnh trong khu vực nên Hải Dương đã hình thành các tuyến du lịch liên tỉnh và nội tỉnh như: Hải Dương-Quốc lộ 18-Hạ Long-cửa khẩu Móng Cái-Trung Quốc; Hải Dương-Bắc Ninh-Lạng Sơn-cửa khẩu Hữu Nghị quan-Trung Quốc; Hải Dương-Hải Phòng; Hải Dương-Bắc Giang-Lạng Sơn; tuyến du lịch Côn Sơn-Kiếp Bạc, Kính Chủ-An Phụ; tuyến du lịch sinh thái thăm làng cò Chi Lăng Nam, đền Quát, đền Tranh, làng Cúc Bồ; tuyến du lịch thăm làng tiến sỹ Mộ Trạch, Văn miếu Mao Điền; tuyến du lịch tổng hợp thăm các di tích lịch sử, làng nghề, sinh thái...

Các hoạt động hưởng ứng Chương trình kích cầu du lịch năm 2013 của tỉnh Hải Dương

Với tiềm năng du lịch phong phú, đa dạng, đặc biệt là du lịch văn hóa, lễ hội, Hải Dương đã xây dựng kế hoạch hưởng ứng Chương trình kích cầu du lịch năm 2013 với các hoạt động chính, gồm:

Tổ chức 04 sự kiện chính tại địa phương hưởng ứng Năm Du lịch Quốc gia Đồng bằng sông Hồng – Hải Phòng 2013:

Lễ hội mùa Xuân Côn Sơn – Kiếp Bạc với các hoạt động chính như: lễ khai mạc, công bố Quyết định của Bộ VHTTDL về việc ghi danh Lễ hội Côn Sơn – Kiếp Bạc là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia; lễ dâng hương tưởng niệm ngày viên tịch của Đệ tam tổ Huyền Quang tôn giả tại chùa Côn Sơn; dâng hương tại đền Trần Nguyên Đán, đền Nguyễn Trãi, đền Kiếp Bạc; lễ tế trên núi Ngũ Nhạc; lễ đàn mông sơn thí thực; hội bánh chưng, bánh dày; hội thi pháo đất; giải vật dân tộc và các hoạt động văn hóa dân gian khác như hát quan họ, viết thư pháp…

Chương trình du lịch làng gốm cổ Chu Đậu nhằm tuyên truyền, giới thiệu đến du khách những sản phẩm du lịch nghề truyền thống tiêu biểu của Hải Dương với các hoạt động chính như: trưng bày hình ảnh, hiện vật bộ sưu tập gốm Chu Đậu cổ và các sản phẩm gốm Chu Đậu hiện nay; tổ chức cuộc thi tìm hiểu về lịch sử gốm Chu Đậu; vinh danh thợ giỏi, tay nghề cao đối với các nghệ nhân của địa phương…

Du lịch Lễ hội mùa Thu Kiếp Bạc được tổ chức để tưởng niệm ngày mất của anh hùng dân tộc Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, tôn vinh công lao to lớn của ông trong sự nghiệp đấu tranh, bảo vệ đất nước; biểu thị truyền thống uống nước nhớ nguồn của dân tộc với lễ cáo yết, lễ dâng hương tưởng niệm ngày mất của Trần Hưng Đạo, lễ khai ấn, lễ hội quân trên sông Lục Đầu, lễ cầu an và hội hoa đăng, lễ giỗ Đức Thánh Trần; phần hội có giải đua thuyền chải, liên hoan múa rối nước, biểu diễn văn nghệ và các trò chơi dân gian khác.

Lễ hội về nguồn tại đền thờ Chu Văn An nhằm phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn – Tôn sư trọng đạo”, qua đó khơi dậy tinh thần dạy và học của thầy và trò trên cả nước. Thông qua sự kiện này, quảng bá đến du khách những sản phẩm du lịch đặc sắc, khác biệt của Hải Dương. Các hoạt động chính của lễ hội gồm: lễ dâng hương viếng mộ thầy Chu Văn An; các chương trình văn nghệ, diễn một số trích đoạn chèo về thầy giáo Chu Văn An; trưng bày tư liệu về Văn miếu Quốc Tử Giám với Nho học Hải Dương; triển lãm thư pháp; tổ chức các trò chơi dân gian và các hoạt động khác.

Đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch: xuất bản sách, đĩa VCD, tập gấp hướng dẫn về du lịch Hải Dương bằng hai thứ tiếng Việt, Anh và tập gấp, đĩa VCD giới thiệu về Năm Du lịch Quốc gia 2013 và các chuyên đề theo 4 sự kiện du lịch; tuyên truyền, quảng bá về các chương trình khuyến mại của du lịch Hải Dương trên các website của tỉnh, Tổng cục Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hiệp hội Du lịch, các phương tiện thông tin đại chúng của Trung ương và địa phương; tuyên truyền, quảng bá thông qua hệ thống pano, khẩu hiệu, biển quảng cáo tại các cửa ngõ và trung tâm các khu đô thị, khu du lịch; tuyên truyền, quảng bá thông qua việc tổ chức các lễ hội truyền thống thường niên trên địa bàn tỉnh; tham gia Hội chợ Du lịch Đồng bằng sông Hồng mở rộng tại Hải Phòng.

Tổ chức các hoạt động khuyến mại: khuyến khích các doanh nghiệp lữ hành, khách sạn, nhà hàng, vận chuyển, các điểm dừng chân, mua sắm giảm giá dịch vụ cho khách du lịch từ 10 – 40% vào mùa thấp điểm; các khu du lịch, khu vui chơi giải trí giảm giá 10 – 40% giá vé cho khách du lịch nội địa đi theo đoàn vào mùa thấp điểm; các khách sạn cung cấp miễn phí một phần dịch vụ hoặc giảm giá các dịch vụ.

Tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng: tổ chức các buổi tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về du lịch cộng đồng, nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư về phát triển du lịch gắn với nâng cao mức sống và tạo thêm việc làm cho người dân địa phương; tuyên truyền, phổ biến kiến thức về bảo vệ môi trường du lịch hưởng ứng chương trình “Vì môi trường du lịch xanh, sạch” và chương trình phát triển du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội; khuyến khích các doanh nghiệp du lịch đầu tư kinh phí cho việc mở rộng, nâng cấp cơ sở vật chất, bổ sung trang thiết bị, đặc biệt là xây mới, nâng cấp các công trình vệ sinh đạt chuẩn, các dịch vụ vui chơi giải trí, nghiên cứu mở rộng thị trường, xây dựng các chương trình du lịch mới.

Đầu tư, nâng cấp hạ tầng cơ sở khu di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc: xây dựng công trình đường vào khu di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc nhằm đáp ứng yêu cầu giao thông cho việc tổ chức lễ hội, du lịch, liên kết các điểm di tích thành quần thể thống nhất; đầu tư tu bổ, tôn tạo di tích đền Kiếp Bạc, đặc biệt là khu đền thờ chính gồm Tòa tiền tế, Trung từ và Hậu cung; khai quật và khôi phục tòa Cửu phẩm liên hoa tại chùa Côn Sơn; đầu tư xây dựng các công trình vệ sinh công cộng đạt chuẩn phục vụ khách du lịch trong nước và quốc tế.

Những kết quả đã đạt được

Triển khai các hoạt động hưởng ứng Chương trình kích cầu du lịch năm 2013, du lịch Hải Dương đã đạt được một số kết quả tích cực như:

Tổ chức thành công 2 sự kiện là chương trình du lịch Lễ hội mùa Xuân Côn Sơn – Kiếp Bạc từ ngày 24 – 28/2/2013 (15 – 18/1 âm lịch) tại khu di tích Côn Sơn (thị xã Chí Linh) và chương trình du lịch làng gốm cổ Chu Đậu diễn ra vào ngày 27/4/2013 tại Công ty cổ phần Gốm Chu Đậu (xã Thái Tân, huyện Nam Sách).

Tham gia các hoạt động trong khuôn khổ Tuần văn hóa – thể thao – du lịch tại thành phố Hải Phòng, gồm: Hội chợ Du lịch Đồng bằng sông Hồng – Hải Phòng 2013 từ ngày 9 – 16/5/2013; chương trình Carnaval đường phố ngày 11/5/2013 với đoàn rước mô phỏng lễ rước tại Lễ hội Côn Sơn – Kiếp Bạc; và chương trình giao lưu các làn điệu dân ca truyền thống các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Hồng ngày 12/5/2013 với tiết mục hát ca trù.

Hỗ trợ một số hoạt động tại địa phương như: Lễ hội truyền thống Mao Điền vào tháng 3/2013 với hoạt động hỗ trợ là hội thi tìm hiểu Văn miếu và truyền thống văn hiến tỉnh Đông; Lễ khai bút đầu năm tại đền thờ Chu Văn An vào tháng 4/2013 với hoạt động hỗ trợ là triển lãm Chu Văn An với Văn miếu Quốc Tử Giám và Nho học Hải Dương.

Từ đầu năm 2013 đến nay, du lịch Hải Dương đã triển khai tái bản tập gấp hướng dẫn về du lịch Hải Dương; xây dựng đĩa VCD giới thiệu những sự kiện chính hưởng ứng Năm Du lịch Quốc gia 2013 của tỉnh Hải Dương; tích cực tuyên truyền, quảng bá về du lịch Hải Dương trên các phương tiện thông tin đại chúng, các pano, khẩu hiệu và tại các lễ hội truyền thống thường niên trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, các hoạt động khuyến mại, tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng và đầu tư, nâng cấp hạ tầng cơ sở khu di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc cũng đã đạt được những tín hiệu khả quan.

Chương trình kích cầu du lịch là một hoạt động mang tính lâu dài, là giải pháp đòn bẩy cho sự phát triển của ngành Du lịch trong giai đoạn kinh tế khó khăn, khủng hoảng. Kế hoạch hưởng ứng Chương trình kích cầu du lịch năm 2013 của tỉnh Hải Dương được kỳ vọng sẽ thu hút nhiều doanh nghiệp kinh doanh du lịch tham gia nhằm thúc đẩy tăng trưởng khách du lịch nội địa, từng bước đưa Hải Dương trở thành một điểm đến hấp dẫn đối với du khách, thúc đẩy ngành du lịch dịch vụ phát triển bền vững.

 

Phạm Phương