Ngày hội Văn hóa dân tộc Ra-glai - Ninh Thuận năm 2013
Cập nhật: 30/08/2013
(TITC) - Tiếp nối thành công của Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch vùng đồng bào dân tộc Chăm – Ninh Thuận năm 2012, từ ngày 29 đến 31/8/2013, UBND tỉnh Ninh Thuận tổ chức Ngày hội Văn hóa dân tộc Ra-glai - Ninh Thuận năm 2013 tại Trung tâm huyện Bác Ái (tỉnh Ninh Thuận). Đây cũng là sự kiện chào mừng 68 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, đồng thời kỷ niệm 63 năm Ngày Giải phóng huyện Bác Ái (30/8/1960 - 30/8/2013).


Với sự tham gia của 8 đoàn nghệ thuật với gần 500 nghệ nhân, diễn viên, nhạc công là người dân tộc Ra-glai của 4 tỉnh: Ninh Thuận, Bình Thuận, Khánh Hòa và Lâm Đồng, Ngày hội Văn hóa dân tộc Ra-glai - Ninh Thuận năm 2013 bao gồm nhiều hoạt động sôi nổi, đặc sắc như: đêm biểu diễn nghệ thuật “Ngày hội Văn hóa Ra-glai - Ninh Thuận 2013”; trình diễn trang phục truyền thống dân tộc Ra-glai; sân khấu hóa tái hiện các lễ hội văn hóa của người Ra-glai như: lễ cưới, lễ ăn mừng lúa mới, lễ bỏ mả, lễ cầu mưa…; biểu diễn các loại hình nghệ thuật như: đánh mả la, thổi kèn bầu sarakel, đàn chapi, sáo talakung…; hát các làn điệu dân ca, hát kể chuyện cổ, sử thi; thi dựng cây nêu và nhà sàn, thi nấu ăn; các trò chơi dân gian: đi cà kheo, đẩy gậy, kéo co, bắn nỏ, nhảy bao bố, đánh lửa nấu cơm…; tọa đàm về văn hóa với chủ đề “Văn hóa Ra-glai - Bảo tồn và phát triển”; phiên chợ “Đưa hàng Việt về nông thôn”…

Nhân dịp này, Bảo tàng tỉnh Ninh Thuận cũng sẽ tổ chức trưng bày, giới thiệu các trang phục truyền thống, nhạc cụ, nông cụ, sản vật và các tranh, tượng, ảnh nghệ thuật của dân tộc Ra-glai trong khuôn viên nhà truyền thống huyện Bác Ái.

Được biết, 8 ngôi nhà rông do 8 đoàn nghệ thuật dựng lên để tham dự ngày hội sẽ được tặng lại cho UBND huyện Bác Ái để tổ chức các hoạt động sinh hoạt văn hóa cộng đồng của đồng bào dân tộc Ra-glai sau này.

Ngày hội Văn hóa dân tộc Ra-glai - Ninh Thuận năm 2013 là dịp tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc Ra-glai, đồng thời cũng là dịp để quảng bá các danh lam thắng cảnh của 4 tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Lâm Đồng và Khánh Hòa với du khách trong và ngoài nước; tăng cường tình đoàn kết, giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm bảo tồn, tổ chức các hoạt động văn hóa ở các tỉnh có đồng bào Ra-glai sinh sống.

Lễ khai mạc ngày hội sẽ diễn ra vào 20h ngày 30/8/2013.

Ra-glai (còn có các tên gọi khác như Rangglai, Ra Glây, Rai...) là dân tộc thiểu số cư trú chủ yếu ở các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Khánh Hòa và Lâm Đồng. Trước đây, dân tộc Ra-glai sống du canh bằng nương rẫy. Hiện nay, họ trồng cả ruộng lúa nước, săn bắn, hái lượm và các nghề thủ công (chủ yếu là nghề rèn và đan lát).

Người Ra-glai sống thành từng pa-lây (buôn làng) trên khu đất cao, bằng phẳng và gần nguồn nước. Mỗi pa-lây thường gồm vài chục nóc nhà của một dòng họ. Người có uy tín nhất dòng họ gọi là kây pa-lây (già làng). Đứng đầu pa-lây là pô pa-lây (trưởng làng) – người có công đầu trong việc khai khẩn đất hoang lập làng, có quyền đại diện cho cộng đồng làng để tổ chức lễ cúng các thần linh, trời đất, khi bị hạn hán, mất mùa hoặc khi dân làng bị dịch, bệnh. Hàng năm, sau mùa thu hoạch, cả làng lại tập trung thịt trâu, bò, lợn để cúng Trời Đất và ăn mừng lúa mới.

Người Ra-glai có những trường ca, truyện thần thoại, truyện cổ tích mang giá trị lịch sử, nghệ thuật sâu sắc và có tính giáo dục cao. Đặc biệt, hát đối đáp là hình thức khá phổ biến trong sinh hoạt văn nghệ của cộng đồng dân tộc này. Nhạc cụ của người Ra-glai ngoài chiêng, cồng còn có đàn bầu, kèn môi, đàn ống tre...

 

Phạm Phương