Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế vừa quyết định đầu tư 9 tỷ đồng để khôi phục và phát triển làng nghề truyền thống, thực hiện trong hai năm 2014-2015.
Trong hai năm tới, tỉnh Thừa Thiên-Huế sẽ tập trung hướng đến việc nâng cao năng lực cho các làng nghề truyền thống và ngành nghề tiểu thủ công nghiệp; cải tiến mẫu mã, tạo ra các sản phẩm mới cho các nghề, làng nghề phù hợp với nhu cầu thị trường, đảm bảo tính nghệ thuật truyền thống và thương mại cao; đồng thời gắn với sản phẩm hàng lưu niệm phục vụ du lịch.
Tỉnh hình thành lực lượng lao động có tay nghề và trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, chủ cơ sở sản xuất tại các làng nghề có trình độ quản lý, trình độ tổ chức kinh doanh. Tỉnh cũng đẩy mạnh công tác tiếp thị sản phẩm, gắn với giải quyết việc làm và tạo thu nhập ổn định cho 1.500 lao động trong nông nghiệp nông thôn.
Năm 2013, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại (Sở Công Thương tỉnh Thừa Thiên-Huế) đã triển khai hỗ trợ 31 đề án khuyến công, giải quyết việc làm cho khoảng 2.500 lao động. Trong đó, hiệu quả từ các chương trình khuyến công ở Thừa Thiên-Huế đã góp phần kích thích các doanh nghiệp, cơ sở phát huy năng lực, mạnh dạn bỏ thêm vốn đầu tư mở rộng, phát triển sản xuất kinh doanh.
Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh Thừa Thiên-Huế cũng hỗ trợ 45 triệu đồng giúp cơ sở may áo dài Viết Bảo QB đào tạo nghề cho 30 học viên về thiết kế may đo áo dài truyền thống và cách tân để mở rộng quy mô sản xuất. Từ khóa đào tạo này, các học viên phát huy khả năng sáng tạo, ứng dụng công nghệ mới vào chất liệu, trang trí, kiểu dáng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng; đồng thời triển khai việc may áo dài lấy ngay phục vụ khách du lịch trong vòng hai tiếng.
Tỉnh Thừa Thiên-Huế hiện có hơn 200 làng nghề, trong đó có 88 làng nghề thủ công truyền thống nổi tiếng đang được khôi phục và phát triển. Thông qua chính sách hỗ trợ từ chương trình khuyến công, các ngành nghề truyền thống nói chung và các sản phẩm đặc sản Huế nói riêng sẽ có nhiều bước phát triển mới, góp phần phát huy giá trị văn hóa và bản sắc xứ Huế phục vụ du khách và xuất khẩu.
Ngoài việc giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, các cơ sở sản xuất thủ công truyền thống còn đóng góp kim ngạch xuất khẩu cho địa phương đạt khoảng 15 triệu USD/năm.