Nhu cầu nguồn nhân lực tiếng Nga ở Khánh Hòa vẫn tăng cao
Cập nhật: 29/10/2013
Từ năm 2010 - thời điểm đánh dấu thị trường khách Nga bắt đầu quay trở lại Nha Trang - Khánh Hòa thì vấn đề xây dựng nguồn nhân lực có trình độ tiếng Nga phục vụ du lịch đã được đặt ra.
Bằng các chương trình, kế hoạch cụ thể, thời gian qua Khánh Hòa đã phần nào được giải quyết được vấn đề trên. Tuy nhiên đến nay, do lượng khách Nga liên tục tăng trưởng mạnh trong khi các đề án liên quan đến việc đào tạo, bồi dưỡng tiếng Nga của ngành du lịch địa phương thì mới chỉ bước đầu được thực hiện, cho nên đến nay nhu cầu về nguồn nhân lực tiếng Nga vẫn không ngừng tăng cao.


Khánh Hòa hiện có 240 hướng dẫn viên quốc tế đã được cấp thẻ, trong đó có 69 hướng dẫn viên tiếng Nga. Mặc dù số hướng dẫn viên chuyên nghiệp, có trình độ và khả năng giao tiếp tiếng Nga hiện đã tăng 20 người so với năm 2012; tuy nhiên nếu đặt giữa số lượng hơn 11.000 lượt khách Nga đến Khánh Hòa chỉ trong tháng 9 vừa qua, thì con số trên phần nào còn rất khiêm tốn. Đó là nói về số lượng. Còn nếu bàn về "chất" thì mặc dù từ trước đến nay nguồn hướng dẫn viên tiếng Nga chủ yếu vẫn phụ thuộc vào đội ngũ hướng dẫn viên không chuyên hoặc những cộng tác viên tiếng Nga (là những người có thể sử dụng ngoại ngữ này) được các công ty du lịch, đơn vị lữ hành tuyển dụng để dẫn khách đoàn - thế nhưng cho đến nay vẫn chưa đáp ứng đủ so với nhu cầu thực tế.

Ngay cả Công ty Du lịch Ánh Dương và Pegas Touristik (2 đơn vị dẫn đầu về việc tổ chức đưa khách Nga đến Việt Nam hiện nay) thì số hướng dẫn viên hiện có tại Khánh Hòa cũng chỉ dừng lại ở con số 40 người, trong đó có đến hơn một nửa là người Nga.

Bà Hoàng Thị Phong Thu – Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Sản xuất – Thương mại – Dịch vụ và Xuất nhập khẩu Ánh Dương cho biết: "Vì lượng khách tăng nên chúng tôi cũng đang tuyển, số lượng tuyển cũng có khoảng 20 hồ sơ nhưng để chọn lựa những hướng dẫn viên mà đáp ứng nhu cầu của chúng tôi thì chúng tôi vẫn chưa hài lòng với chất lượng mới của hướng dẫn viên này. Ngoài tuyển hướng dẫn viên mới chúng tôi cũng tổ chức đào tạo cho các hướng dẫn viên mới cùng các hướng dẫn viên cũ đi kèm để học hỏi lẫn nhau".

Bên cạnh đó, có một thực tế là hiện nay, hầu hết đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác quản lý nhà nước về du lịch và cả những người hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh, lưu trú, nhà hàng, khách sạn cũng đều rất hạn chế về tiếng Nga. Nhanh nhạy trước tình hình này, nhiều doanh nghiệp, khách sạn lớn trên địa bàn thành phố Nha Trang đã chủ động mở các lớp đào tạo tiếng Nga tại chỗ cho các bộ phận tiếp xúc trực tiếp với khách hàng như lễ tân, nhà hàng. Sau 2 năm thực hiện, nhiều khách sạn, nhà hàng như Sunrise Nha Trang, Louisiane, Trung tâm Suối khoáng nóng Tháp Bà đang tiến dần đến việc đào tạo tiếng Nga cho cán bộ quản lý.

Không quá chú trọng đến yếu tố ngữ pháp, các lớp học này thường chọn lọc những nội dung phù hợp với từng cơ sở lưu trú, điểm đến để giảng dạy, thiên về kỹ năng giao tiếp. Sự linh hoạt đó đã góp phần nâng cao chất lượng phục vụ, để lại ấn tượng tốt với du khách Nga khi đến Khánh Hòa. Ông Trương Đăng Tuyến – Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch Khánh Hòa cho biết: "Vừa rồi chúng tôi tổ chức liên tục các lớp bồi dưỡng tiếng Nga ngắn ngày cho các cơ sở lưu trú cũng như địa chỉ điểm đến. Vừa rồi chúng tôi cũng làm việc với trường Khoa học Nhân văn TP. Hồ Chí Minh có một giáo sư có thời gian đang dạy ở đó, học bên Nga rất lâu rồi. Và một cô giáo đang dạy tiếng Nga thì cũng hứa sắp tới sẽ phối hợp với phía Sở để tổ chức giới thiệu cũng như những kỹ năng về tiếng Nga trong lĩnh vực du lịch".

Trước nhu cầu sử dụng tiếng Nga ngày một cao, tháng 3 vừa qua, UBND tỉnh đã phê duyệt đề án "Đào tạo, bồi dưỡng tiếng Nga trong ngành du lịch Khánh Hòa giai đoạn 2013 – 2015". Theo đó, đến năm 2015 sẽ có 40% cán bộ, công chức, viên chức làm công tác quản lý nhà nước về du lịch biết tiếng Nga ; 70% cán bộ quản lý, 50% nhân viên phục vụ trong các cơ sở lưu trú, đơn vị lữ hành biết tiếng Nga và 40% hướng dẫn viên, thuyết minh viên giao tiếp tốt bằng tiếng Nga.

Tuy nhiên đến thời điểm này, đề án vẫn đang chờ được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch phê duyệt mới có thể triển khai thực hiện. Do đó, việc chủ động mở các lớp học hay thành lập câu lạc bộ, hội, nhóm tiếng Nga từ các doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh trong lĩnh vực du lịch hiện nay được xem là những đóng góp quan trọng và có tính chất quyết định nhằm nâng cao trình độ tiếng Nga cho đội ngũ những người hoạt động trong ngành, góp phần thu hút ngày càng đông khách Nga đến với Nha Trang – Khánh Hòa.

 

ktv.org.vn