Ngày 26/11, Hội đồng thẩm định cổ vật của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tiến hành thẩm định và lựa chọn 03 hiện vật của Bảo tàng Lịch sử quốc gia để đề cử công nhận Bảo vật quốc gia đợt 2.
Chuông chùa Vân Bản là một trong 03 hiện vật của Bảo tàng được đề cử là bảo vật quốc gia đợt 2.
Căn cứ vào những tiêu chí để xác định là Bảo vật Quốc gia như: tính độc bản, độc đáo, có giá trị đặc biệt đánh dấu sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước… Các thành viên của Hội đồng Giám định cổ vật Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chọn được 3 hiện vật đề cử Bảo vật quốc gia đợt 2 là: Quả chuông chùa Vân Bản, Cặp chân đèn gốm men rạn ngà của Đỗ Phủ, Bia Võ Cạnh.
1. Quả chuông chùa Vân Bản: Là hiện vật gốc, độc đáo, độc bản, có niên đại thuộc thời Trần, gắn với chùa Vân Bản, tháp Tường Long, Hải Phòng. Quả chuông có trang trí rồng trên quai, băng cánh sen trên các tấm gõ và vành miệng, phản ánh đặc trưng Phật giáo thời Trần. Chuông có minh văn là sử liệu lịch sử quý, giúp cho việc nghiên cứu lịch sử, chức danh Phật giáo thời Trần.
2. Cặp chân đèn gốm men rạn ngà của Đỗ Phủ: Có niên đại thời Lê. Là cổ vật độc bản, có tạo dáng chân đèn và men độc đáo. Trên chân đèn có khắc minh văn cho biết người chế tạo là Đỗ Phủ. Cặp chân đèn này là dấu mốc mở đầu, chứng minh dòng gốm men rạn chỉ được sản xuất tại trung tâm gốm Bát Tràng từ thế kỷ 17 đến thế kỷ 19.
3. Bia Võ Cạnh: Được xem là tấm bia Chăm Pa có niên đại sớm nhất ở Việt Nam. Nội dung của văn bia nói về một nhân vật có tên là Sri Mara người đã có công trong việc xây dựng Vương quốc Nam Chăm và quá trình hợp nhất hai Vương quốc Nam Chăm và Bắc Chăm thành Vương quốc Chăm Pa. Sri Mara là người sáng lập triều đại đầu tiên của Vương quốc Nam Chăm, thủ phủ đóng tại vùng Panduranga (vùng Phan Rang-Ninh Thuận ngày nay). Còn kinh đô Bắc Chăm (theo sử Trung Hoa còn gọi là Lâm Ấp) đóng ở Simhapura (vùng Trà Kiệu - Quảng Nam ngày nay).
Bảo tàng Lịch sử quốc gia tiếp tục hoàn tất hồ sơ, đệ trình lên công nhận 3 hiện vật trên là Bảo vật Quốc gia đợt 2 trong năm 2013 này.