Khánh thành quần thể chùa Khmer tại Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam
Cập nhật: 25/11/2013
Ngày 23/11, tại Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam đã diễn ra Lễ khánh thành quần thể chùa Khmer. Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hồ Anh Tuấn, Trưởng Ban Chỉ đạo tuần lễ “Đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam - Di sản Văn hóa Việt Nam” đã tới dự.

Tham dự buổi lễ còn có ông Nguyễn Minh Thắng, Ủy viên BCH TW Đảng, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; ông Phạm Dũng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng ban Ban Tôn giáo Chính phủ; đại diện lãnh đạo các tỉnh/thành phố trong cả nước; các Chư tôn lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam cùng đông đảo tăng ni Phật tử; đồng bào các dân tộc…

Quần thể chùa Khmer được xây dựng tại Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam là ngôi chùa Phật giáo Nam tông thứ 454 của Việt Nam và là ngôi chùa Khmer duy nhất ở Thủ đô Hà Nội tính đến thời điểm này. Quần thể chùa Khmer được khởi công xây dựng tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam ngày 16/11/2010 theo nguyên mẫu chùa K’leng tại thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng. Sau gần 4 năm thi công với sự tham gia sâu sát của các chủ thể văn hóa, các nghệ nhân và đồng bào dân tộc Khmer công trình đã hoàn thành và hiện hữu trang nghiêm giữa lòng Thủ đô Hà Nội.

Quần thể chùa Khmer tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam được các chuyên gia văn hóa, lịch sử, các nghệ nhân và bà con Khmer trực tiếp tham gia tư vấn và xây dựng, gồm có chính điện, am thờ, tháp góc, nhà thiêu, vườn tháp, nhà ghe ngo, nhà thuyền, sa la, cột cờ và ao sen. Các công trình đều có mái lợp ngói vẩy cá và các chi tiết trang trí mang đậm tín ngưỡng Khmer. Quần thể chùa Khmer là điểm văn hóa tâm linh của đồng bào Khmer ở Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam tại Hà Nội; đồng thời cũng là nơi gắn kết đồng bào Khmer với cộng đồng các dân tộc khác và mọi người dân, du khách trong nước, quốc tế, không phân biệt tín ngưỡng, tôn giáo... Sau lễ khánh thành, chùa sẽ được vận hành với những hoạt động tâm linh, tín ngưỡng như tất cả các ngôi chùa Khmer khác trên khắp Việt Nam.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Phạm Dũng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng ban Ban Tôn giáo Chính phủ khẳng định: Lễ khánh thành quần thể chùa Khmer tại Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam với sự hiện diện đông đủ của quý quan khách, quý vị đại biểu, quý vị chức sắc các tôn giáo và đồng bào các dân tộc, vừa thể hiện chính sách đại đoàn kết dân tộc, thể hiện sự gắn bó giữa đạo và đời, vừa thể hiện chính sách tôn trọng tự do, tín ngưỡng tôn giáo của Nhà nước ta.

Cũng theo Thứ trưởng Phạm Dũng, sự hiện diện một cách bề thế và trang nghiêm của quần thể chùa Khmer với nguyên mẫu là một ngôi chùa ở Đồng bằng sông Cửu Long giữa Thủ đô Hà Nội, vừa thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước ta đối với công tác tôn giáo và dân tộc vừa thể hiện sự gần gũi, gắn bó về văn hóa, tín ngưỡng của đồng bào Khmer Nam Bộ với đồng bào các dân tộc anh em trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Đây là một biểu tượng văn hóa, hơi thở của “hồn thiêng sông núi” của những người con đất Việt từ đất phương Nam xa xôi quy tụ về Thủ đô. Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam sẽ là địa chỉ quen thuộc, là nơi để nhớ, là chốn đi về của đồng bào các dân tộc Việt Nam nói chung, trong đó có đồng bào dân tộc Khmer đồng bằng sông Cửu Long nói riêng với ngôi chùa Phật giáo Nam tông Khmer khang trang.

Tại buổi lễ, thay mặt Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Hoà thượng Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch thường trực đã trao Quyết định bổ nhiệm Đại đức So-van-na-panh-nha làm trụ trì chùa Khmer tại Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam.

Tiếp sau đó, các vị lãnh đạo, đại biểu, quan khách cùng các chư tôn đức lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam và các tăng ni, Phật tử đã thực hiện nghi lễ Kết giới Sây-ma, lễ an vị Phật, nhập linh cho chùa và vui hội biểu diễn dân ca, dân vũ của đồng bào dân tộc Khmer tại quần thể chùa Khmer, Khu các làng dân tộc 3, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.

CINET