Đây là một trong những mục tiêu của ngành Du lịch được nêu trong Chương trình xúc tiến du lịch quốc gia giai đoạn 2013-2020 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Theo đó, Chương trình Xúc tiến du lịch quốc gia giai đoạn 2013 - 2020 có mục tiêu đẩy mạnh hoạt động quảng bá, xúc tiến điểm đến quốc gia, điểm đến địa phương và các sản phẩm, dịch vụ đặc sắc của du lịch Việt Nam ở nước ngoài nhằm thúc đẩy lượng khách quốc tế, gia tăng thời gian lưu trú và mức chi tiêu của khách quốc tế.
Theo nội dung chương trình này, đến năm 2020, đối với mỗi thị trường du lịch quốc tế trọng điểm (Đông Bắc Á, Đông Nam Á và Thái Bình Dương, Bắc Mỹ, Tây Âu và Đông Âu) sẽ tổ chức triển khai được từ 3 - 4 hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch. Với mỗi thị trường tiềm năng (Nam Á và Trung Đông), tổ chức triển khai được ít nhất 1 hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch. Đảm bảo ít nhất 50% hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch được mở rộng về phạm vi, quy mô và đa dạng về hình thức, nội dung so với giai đoạn trước.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh hoạt động tuyên tuyền, quảng bá và xúc tiến du lịch ở trong nước nhằm nâng cao ý thức về gìn giữ và bảo vệ môi trường du lịch, văn hóa ứng xử với khách du lịch và thúc đẩy phát triển du lịch nội địa.
Ngoài ra, đến năm 2020, hàng năm tổ chức và tham gia từ 3 - 5 sự kiện du lịch (hoặc có liên quan) tại các địa phương có tiềm năng du lịch; phối hợp với 15 - 20 đơn vị báo chí truyền thông lớn trong nước tuyên truyền quảng bá du lịch; xây dựng, thuê duy trì và bảo dưỡng từ 15 - 20 biển quảng cáo tấm lớn, biển điện tử để giới thiệu, quảng bá hình ảnh du lịch Việt Nam ở các thành phố lớn.
Đặc biệt, đến năm 2020 sẽ duy trì vận hành một cổng thông tin xúc tiến và giao dịch du lịch chuyên nghiệp, hiện đại và phát triển một số hình thức marketing điện tử khác phục vụ mục đích quảng bá, xúc tiến du lịch.
Giải pháp đề ra của Chương trình này là đẩy mạnh chương trình quảng bá và xúc tiến du lịch Việt Nam ở nước ngoài với việc: tổ chức tham gia các hội chợ du lịch quốc tế ở các thị trường trọng điểm và tiềm năng với quy mô mở rộng, hình thức và nội dung đa dạng hóa, phong phú; quảng bá du lịch Việt Nam trên một số phương tiện truyền thông quốc tế, bao gồm các kênh truyền hình, tạp chí du lịch và giải trí, quảng cáo tấm lớn, quảng cáo trực tuyến...
Ngoài ra, tổ chức cho các hãng lữ hành và đơn vị truyền thông, báo chí nước ngoài vào Việt Nam khảo sát điểm đến, sản phẩm và dịch vụ du lịch; tổ chức, tham gia các hội nghị, hội thảo ở nước ngoài nhằm xúc tiến du lịch Việt Nam; liên kết các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch giữa các cơ quan Trung ương và địa phương tại các chương trình, sự kiện xúc tiến du lịch Việt Nam ở nước ngoài.
Cũng theo Quyết định, bên cạnh hoạt động tuyên truyền, quảng bá và xúc tiến du lịch Việt Nam ở nước ngoài, cần đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch trong nước.
Cụ thể, tổ chức các sự kiện du lịch lớn trong nước như Năm Du lịch quốc gia, các sự kiện văn hóa, thể thao lớn; tuyên truyền, quảng bá du lịch trên các loại hình báo chí trong nước; tổ chức hội nghị, hội thảo chuyên đề về xúc tiến du lịch nhằm tăng cường sự liên kết giữa các Bộ, ngành, địa phương, vùng miền; liên kết giữa nhà nước và doanh nghiệp; tổ chức các hội nghị chuyên đề về phát triển du lịch, xúc tiến du lịch của các tổ chức quốc tế và khu vực nhằm tuyên truyền, quảng bá cho du lịch Việt Nam.
Nhiệm vụ khác của Chương trình là tập trung phát triển marketing điện tử phục vụ xúc tiến quảng bá du lịch; tổ chức sản xuất ấn phẩm, vật phẩm phục vụ xúc tiến du lịch. Trong đó, lựa chọn, thiết kế mẫu vật phẩm xúc tiến du lịch; sản xuất các ấn phẩm, vật phẩm xúc tiến du lịch với nhiều hình thức, chất liệu và ngôn ngữ khác nhau; sản xuất phim tư liệu, quảng cáo và các thể loại khác về du lịch Việt Nam dưới dạng băng hình, đĩa hình, thẻ nhớ di động...
Kinh phí thực hiện Chương trình được huy động từ các nguồn ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương, đóng góp của doanh nghiệp và các nguồn huy động hợp pháp khác.