Vừa qua, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã phối hợp với Tổ chức Urban Solutions Hà Lan tổ chức tổng kết chương trình tập huấn về “Xây dựng năng lực quản lý di sản văn hóa Huế thông qua ứng dụng GIS”.
Chương trình tập huấn được sự tài trợ của tổ chức NUFFIC - Hà Lan thông qua Đại sứ quán Vương quốc Hà Lan tại Hà Nội.
Đến dự buổi lễ có đại diện lãnh đạo của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Thông tin Truyền thông, Viện Quy hoạch Tỉnh và một số sở, ban, ngành cùng đại diện các cơ quan báo chí, phát thanh, truyền hình của trung ương và địa phương đóng trên địa bàn tỉnh.
Chương trình đào tạo dành cho 24 cán bộ của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế được thực hiện dưới hình thức tập huấn kết hợp khảo sát thực hành tại cụm di tích lăng Tự Đức và vùng phụ cận được lựa chọn làm khu vực nghiên cứu thí điểm từ tháng 6 - 10/2013.
Sau 5 tháng triển khai chương trình, với sự hướng dẫn nhiệt tình của các chuyên gia giàu kinh nghiệm, các học viên đã tích lũy được kiến thức, kỹ năng cần thiết trong việc nhận diện các giá trị của di sản văn hóa cụm di tích lăng Tự Đức - Đồng Khánh và vùng phụ cận từ những góc độ khác nhau: về lịch sử xây dựng, lịch sử tu bổ công trình, cảnh quan văn hóa, tiềm năng du lịch và các chỉ số giám sát có giá trị khác. Những cơ sở dữ liệu thu thập trong quá trình khảo sát điền dã và nghiên cứu tư liệu đã được phân tích theo phương pháp SWOT, từ đó đưa ra những đề xuất cụ thể về phân vùng quy hoạch bảo vệ di tích và cảnh quan thiên nhiên trong bối cảnh phát triển đô thị của khu vực này.
Thành quả quan trọng khác của khóa tập huấn là xây dựng được các lớp bản đồ nội dung khác nhau về hệ thống thông tin địa lí (GIS) tại khu vực lăng Tự Đức và vùng phụ cận dựa trên cơ sở dữ liệu nền có sẵn. Các bản đồ này sẽ là những công cụ hết sức hữu ích cho quá trình bào tồn, trùng tu di tích và phát triển du lịch trong tương lai nhằm khai thác và phát huy có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của cụm di tích lăng Tự Đức - lăng Đồng Khánh và vùng phụ cận, bảo tồn tính toàn vẹn và tính chính xác của Di sản văn hóa thế giới một cách bền vững.
Tiến sĩ Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết: “Với mục tiêu sử dụng GIS như một công cụ để giám sát việc quản lý, bảo tồn di sản văn hóa, khai thác và phát triển tiềm năng kinh tế du lịch một cách bền vững, bản đồ (GIS) tại khu vực lăng Tự Đức sẽ được tích hợp vào kế hoạch quản lý quần thể Di tích Cố đô Huế mà Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đang xây dựng theo yêu cầu của UNESCO. Với những thành công bước đầu tại cụm di tích làm thí điểm, trong tương lai, Trung tâm sẽ tiếp tục ứng dụng (GIS) trong xây dựng hệ thống quản lý di tích tại các điểm di tích khác trong Quần thể di tích Huế, giúp cho công tác quản lý và bảo tồn di tích đảm bảo tính khoa học và bền vững”.
Tại buổi lễ, ông Hoàng Bảo Hùng, Phó Giám đốc Sở Thông tin Truyền thông, Giám đốc Trung tâm Dữ liệu Điện tử tỉnh Thừa Thiên Huế - đơn vị cung cấp dữ liệu nền nhận xét: “Chỉ trong thời gian ngắn (5 tháng triển khai), Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cùng các chuyên gia đã tạo ra một sản phẩm thí điểm đạt chất lượng tốt, đó là kết quả thành công bất ngờ”. Ông cũng khẳng định Trung tâm Dữ liệu Điện tử tỉnh sẵn sàng cung cấp dữ liệu chuẩn xác và cập nhật mới nhất về dữ liệu nền cho Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế để tiếp tục triển khai thiết lập bản đồ GIS tại các điểm di tích khác trong quần thể di tích Huế trong thời gian tới.
Đã có 21/24 học viên được tổ chức Urban Solutions Hà Lan và Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế trao chứng chỉ hoàn thành khóa học trong dịp này.
Thành công của chương trình tập huấn mở ra thêm một cách tiếp cận mới cho công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di tích Huế thông qua ứng dụng công nghệ tin học và kỹ thuật số hóa các dữ liệu cơ bản về di tích. Đồng thời,chương trình cũng đánh dấu sự thành công lần thứ hai về sự hợp tác hiệu quả giữa Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế và tổ chức Urban Solutions Hà Lan trong các chương trình đào tạo xây dựng năng lực quản lý di sản văn hóa, góp phần củng cố và tăng cường quan hệ hợp tác hữu nghị giữa Việt Nam và Hà Lan trong lĩnh vực bảo tồn di sản văn hóa.