Cho đến nay, Việt Nam đã có 18 di sản vật thể và phi vật thể được UNESCO ghi danh vào danh sách di sản của nhân loại. Đây là điều đáng tự hào, tuy nhiên chúng ta cần có các hoạt động quảng bá hiệu quả, đồng thời đào tạo các chuyên gia để bảo tồn và khai thác tốt các di sản trong thời gian tới.
|
Tối 4/1, Trung tâm văn hóa Việt Nam tại Pháp phối hợp phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh UNESCO tổ chức hội thảo với chủ đề “Các di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam - tiêu chuẩn và quá trình đăng ký hồ sơ”. Với mục đích nhằm giới thiệu với bà con Việt kiều và bạn bè Pháp những thông tin liên quan đến các di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam cũng như quá trình Việt Nam tiến hành các thủ tục đăng ký hồ sơ cho các di sản văn hóa đã tồn tại, duy trì, phát triển từ nhiều đời để UNESCO ghi danh.
Trình bày tại hội thảo, phó giáo sư, tiến sĩ Dương Văn Quảng, đại sứ - trưởng phái đoàn Việt Nam bên cạnh UNESCO khẳng định, vấn đề văn hóa, di sản không chỉ là ghi danh, công nhận danh hiệu mà là hình ảnh của một đất nước, dân tộc.
Hiện UNESCO có bốn công ước về văn hóa, trong đó có hai công ước về di sản, đó là công ước 1972 và 2003 nhằm bảo đảm tầm nhìn rõ ràng hơn về di sản văn hóa phi vật thể và nhận thức việc bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể thuộc về mối quan tâm chung của nhân loại.
Theo công ước 2003 định nghĩa, “Di sản văn hóa phi vật thể” được hiểu là các tập quán, các hình thức thể hiện, biểu đạt, tri thức, kỹ năng và kèm theo đó là những công cụ, đồ vật, đồ tạo tác và các không gian văn hóa có liên quan mà các cộng đồng, các nhóm người và trong một số trường hợp là các cá nhân, công nhận là một phần di sản văn hóa của họ.
Được chuyển giao từ thế hệ này sang thế hệ khác, di sản văn hóa phi vật thể được các cộng đồng và các nhóm người không ngừng tái tạo để thích nghi với môi trường và mối quan hệ qua lại giữa cộng đồng với tự nhiên và lịch sử của họ, đồng thời hình thành trong họ một ý thức về bản sắc và sự kế tục, qua đó khích lệ thêm sự tôn trọng đối với sự đa dạng văn hóa và tính sáng tạo của con người.
Di sản văn hóa phi vật thể được tách thành hai phần gồm: văn hóa phi vật thể có giá trị đại diện cho nhân loại và một loại nữa là cần phải bảo vệ khẩn cấp. Trong tám di sản văn hóa phi vật thể mà Việt Nam được công nhận thì có hai di sản nằm trong diện cần bảo vệ khẩn cấp đó là hát Xoan và Ca trù.
Đại sứ cho rằng, lâu nay chúng ta vẫn gọi là “được UNESCO công nhận là di sản thế giới” nhưng nguyên văn và đúng nghĩa phải là “được ghi danh vào danh sách di sản của nhân loại”.
Có thể nói Việt Nam là một trong những nước có nhiều di sản đã được UNESCO ghi danh và sắp tới sẽ trình thêm các hồ sơ khác. Mới đây vào cuối tháng 11/2013, Việt Nam được bầu vào Ủy ban di sản thế giới. Kết quả này thể hiện thành công và uy tín của Việt Nam trong phát triển bền vững gắn kết với bảo tồn và hội nhập văn hóa.
Cũng vào cuối năm 2013, Đờn ca tài tử Nam Bộ được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Việc đờn ca tài tử Nam Bộ được vinh danh cho thấy thế giới đánh giá cao loại hình âm nhạc này của Việt Nam, đồng thời chứng tỏ sức sống của văn hóa truyền thống Việt Nam trong dòng chảy hội nhập vào văn hóa thế giới.
Để bảo tồn, giữ gìn và khai thác các di sản mà nay cả Việt Nam và thế giới có chung trách nhiệm, Đại sứ cho rằng cần có các kế hoạch và sự phối hợp hiệu quả từ trung ương tới địa phương. Để phát huy danh hiệu di sản thế giới, Việt Nam cũng cần quảng bá, tuyên truyền để người dân hiểu và tham gia bảo vệ giá trị của các di sản, từ đó thu hút bạn bè quốc tế tới thăm.
Ngoài ra, Việt Nam cũng cần đầu tư kịp thời để đào tạo những chuyên gia có đủ năng lực về mặt ngoại giao, văn hóa và ngoại ngữ để tham gia các hoạt động của UNESCO, đặc biệt là để hoàn thành tốt vai trò của một thành viên Ủy ban di sản thế giới.
Tại cuộc hội thảo, đại sứ Dương Văn Quảng đã trả lời nhiều cầu hỏi của bà con Việt Kiều liên quan đến quá trình soạn thảo, trình hồ sơ để được UNESCO công nhận và chính sách của nhà nước về quản lý và trùng tu, bảo tồn các di sản văn hóa, đáp ứng các điều kiện mà UNESCO đặt ra.
Đến nay Việt Nam đã có bảy di sản văn hóa vật thể gồm: vịnh Hạ Long, quần thể di tích cố đô Huế, thánh địa Mỹ Sơn, phố cổ Hội An, vườn quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng, Hoàng thành Thăng Long và thành Nhà Hồ. Tám di sản văn hóa phi vật thể đã được UNESCO công nhận gồm có: không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, nhã nhạc cung đình Huế, quan họ Bắc Ninh, Ca trù, hội Gióng, hát Xoan, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, và mới đây nhất là đờn ca tài tử Nam Bộ.