(TITC) - Đó là nội dung được thảo luận tại buổi làm việc giữa Hiệp hội Lữ hành Việt Nam và Dự án EU với UBND tỉnh Hòa Bình vào ngày 16/2 vừa qua trong khuôn khổ chương trình “Khảo sát xây dựng sản phẩm du lịch cho 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng”.
Toàn cảnh buổi gặp mặt tại Hòa Bình
Tham dự buổi làm việc có Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình Bùi Văn Tỉnh; Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam Vũ Thế Bình; Giám đốc Dự án EU Vũ Quốc Trí; Trưởng nhóm chuyên gia quốc tế Dự án EU - bà Mary McKeon; đại diện Trung tâm Thông tin du lịch (Tổng cục Du lịch); đại diện Sở VHTTDL tỉnh Hòa Bình và một số sở, ban, ngành địa phương cùng đại diện các doanh nghiệp lữ hành tại Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh và phóng viên các báo đài.
Ông Bùi Văn Tỉnh đã giới thiệu tại buổi làm việc tiềm năng du lịch và những chính sách ưu đãi của tỉnh Hòa Bình cho phát triển du lịch. Nằm ở cửa ngõ vùng Tây Bắc của tổ quốc, điều kiện tự nhiên và bề dày lịch sử, văn hoá đã tạo cho Hòa Bình tiềm năng du lịch phong phú, đa dạng với 296 di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh cùng nhiều di chỉ khảo cổ của nền “Văn hóa Hòa Bình”, trong đó có 35 di tích cấp quốc gia, 15 di tích cấp tỉnh. Hoà Bình còn là cái nôi của người Mường (người Việt cổ) với 4 mường nổi tiếng “Bi, Vang, Thàng, Động”. Hiện đồng bào các dân tộc tỉnh Hòa Bình vẫn còn lưu giữ khá nguyên vẹn nhiều phong tục, tập quán độc đáo với trên 30 lễ hội được tổ chức hàng năm. Nhờ điều kiện giao thông thuận tiện, cơ sở lưu trú du lịch được đầu tư đúng mức, hoạt động kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh trong những năm qua liên tục tăng trưởng ổn định. Năm 2013, Hòa Bình đã đón 1,73 triệu lượt khách, trong đó có 161 nghìn lượt khách quốc tế; tổng thu du lịch đạt trên 600 tỷ đồng.
Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình cho biết thêm, trong những năm tới, Hòa Bình sẽ tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, xây dựng hạ tầng để khai thác tiềm năng du lịch; đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch, các loại hình du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng, đặc biệt là khu du lịch trọng điểm hồ Hòa Bình; đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá du lịch; tập trung các nguồn lực, ưu tiên đầu tư đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch hiện nay. Tỉnh cũng khuyến khích các thành phần kinh tế trong và ngoài nước hợp tác, huy động các nguồn lực đầu tư để phát triển du lịch; đồng thời kêu gọi các doanh nghiệp lữ hành trong cả nước đưa khách du lịch đến trải nghiệm vùng đất mang đậm bản sắc văn hóa người Mường.
Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam Vũ Thế Bình phát biểu tại buổi gặp mặt
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam Vũ Thế Bình khẳng định, với tiềm năng du lịch phong phú, đặc sắc, Hòa Bình có nhiều điều kiện đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Tuy nhiên, Hòa Bình cần xác định được sản phẩm du lịch đặc trưng và xây dựng được hệ thống cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho du lịch phát triển đồng bộ.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hòa Bình
Kết thúc buổi làm việc, đoàn khảo sát đã đi tham quan một số điểm du lịch tại Hòa Bình như: xóm Mỗ (xã Bình Thanh, huyện Cao Phong); xóm Ải (xã Phong Phú, huyện Tân Lạc); bản Lác (xã Chiềng Châu, huyện Mai Châu).
Thực hiện: Phạm Phương - Anh Dũng