(TITC) - Những ngày đầu Xuân nếu có dịp lên Tây Bắc, du khách đừng bỏ lỡ cơ hội khám phá mảnh đất Yên Bái, nơi có những danh lam thắng cảnh làm say lòng người. Vào thời điểm này, trẩy hội đền chùa hay tham quan những điểm du lịch nổi tiếng ở đây, du khách sẽ đều cảm nhận được sự hấp dẫn mà tạo hóa ban tặng cho mảnh đất này.
Vãn cảnh đền Đông Cuông
Dừng chân tại thành phố Yên Bái, du khách có thể ghé thăm chùa Ngọc Am, chùa Vạn Thắng, đền Tuần Quán, nhà tưởng niệm chí sỹ Nguyễn Thái Học... để vãn cảnh và thắp một nén hương thơm nơi cửa Phật, sẽ thấy tâm hồn thanh thản, bình an hơn. Và sẽ là thiếu xót nếu trong hành trình này, du khách không đến đền Đông Cuông – ngôi đền nổi tiếng linh thiêng thuộc địa phận huyện Văn Yên, cách trung tâm thành phố Yên Bái khoảng 50km về phía tây bắc. Được xây dựng ở nơi có phong cảnh sơn thuỷ hữu tình, núi sông hòa hợp, đền còn có tên gọi là đền thờ thần Vệ quốc vì ngoài thờ Mẫu Thượng Ngàn, đền còn thờ một số tướng người dân tộc ở địa phương đã có công trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên - Mông (thế kỷ 13). Hàng năm, vào ngày Mão đầu tiên sau Rằm tháng Giêng, du khách thập phương lại nô nức đổ về huyện Văn Yên để tham dự lễ hội đền Đông Cuông, để được sống lại những giờ phút lịch sử với lễ mổ trâu khao quân, lễ rước Mẫu sang sông và tham gia các trò chơi dân gian như đánh đu, ném còn, kéo co… Đây thực sự là điểm du lịch văn hoá hấp dẫn dành cho du khách trong chuyến hành hương về nguồn.
Du thuyền tham quan hồ Thác Bà
Nằm trên địa phận hai huyện Yên Bình và Lục Yên của tỉnh Yên Bái, hồ Thác Bà là một trong ba hồ nước nhân tạo rộng nhất Việt Nam (23.400ha), được hình thành khi xây dựng nhà máy thủy điện Thác Bà. Với 1.300 đảo lớn nhỏ, hồ Thác Bà được ví như một “Hạ Long trên núi”. Du thuyền qua các đảo, du khách có cơ hội tận hưởng không khí mát lành của thiên nhiên, ngắm những vạt rừng xanh thăm thẳm, xen kẽ là những hòn đảo thơ mộng tạo nên bức tranh lung linh huyền ảo của một vùng non nước hữu tình. Cuộc hành trình còn đưa du khách tham quan nhiều hang động đẹp như động Thủy Tiên, động Xuân Long, động thác Bà, thác Ông… hay những di tích lịch sử xung quanh hồ như đền Thác Bà, chùa São, dãy núi Cao Biền Linh Sơn…
Không chỉ có cảnh đẹp sơn thủy hữu tình, hồ Thác Bà còn là nơi sinh sống của 12 dân tộc anh em với sắc màu văn hoá đa dạng cùng những lễ hội truyền thống độc đáo được tổ chức vào những ngày đầu năm mới như hội Lồng Tồng của người Tày, hội Cúng mùa của người Dao... Đến đây, du khách sẽ có dịp thưởng thức bữa cơm thiết khách của đồng bào các dân tộc với hương vị thơm ngon, hấp dẫn của món cơm lam, nộm hoa chuối rừng, thịt gà đồi nấu lá chanh, lợn mán quay hay gỏi cá, tôm...
Đắm say cùng điệu xòe Thái
Từ thành phố Yên Bái, theo quốc lộ 32 khoảng 80km về phía tây, du khách sẽ tới thung lũng Mường Lò thuộc thị xã Nghĩa Lộ. Thung lũng được bao bọc bởi dãy Hoàng Liên Sơn này là một trong những cái nôi văn hóa của tỉnh Yên Bái.
“Mường Lò gạo trắng, nước trong/ Ai đi đến đó lòng không muốn về”. Không chỉ có gạo trắng, nước trong, Mường Lò còn níu chân du khách bằng những điệu xòe nồng say, quyến rũ của người Thái đen sinh sống nơi đây. Trong những buổi tiếp khách phương xa, giữa tiếng khèn bay bổng, tiếng trống, tiếng chiêng sâu lắng mà rộn rã, những bước xòe uyển chuyển làm cho con người gần gũi nhau hơn. Người Thái ở Mường Lò còn tạo nên một nền ẩm thực đặc sắc với bánh chưng đen, thịt trâu sấy, thịt hun khói, cơm nhuộm, xôi cá…, đặc biệt nhất là các món ăn chế biến từ côn trùng, rêu đá. Nếu đã một lần đến với Mường Lò để tận hưởng ngọn gió xuân mơn man khắp những nẻo đường xanh ngợp lá hoa, đắm chìm trong vũ khúc xòe Thái và thưởng thức những món ăn độc đáo của bà con dân tộc nơi đây thì chắc hẳn du khách sẽ còn lưu luyến mãi.
Chè Tuyết Shan - đặc sản suối Giàng
Xuôi theo thị xã Nghĩa Lộ khoảng 20km về phía tây là địa bàn huyện Văn Chấn, nơi có dòng suối Giàng nằm ở độ cao 1.371m so với mực nước biển. Suối Giàng được biết đến là nơi có nhiều loại đá cảnh vân hoa tím, xanh với nhiều hình thù kỳ thú, lạ mắt. Ngoài những sản vật của miền sơn cước như: rau cải mèo, su su, các loại củ, quả, ngũ cốc hay những hàng sa mộc, pơ mu thẳng tắp, thì điều hấp dẫn thu hút du khách tìm đến với suối Giàng chính là văn hóa trà của người Mông. Vùng chè cổ thụ suối Giàng nằm ở các thôn Giàng Cao, Giàng B, Păng Cáng, Tập Lăng I, Tập Lăng II, Suối Lóp... Đến đây, du khách không chỉ được ngắm những cây chè có tuổi đời hàng trăm tuổi mà còn được thưởng thức hương vị thơm nồng từ chén chè Tuyết Shan ấm nóng do chính bàn tay của những người phụ nữ Mông cần mẫn làm ra và tìm hiểu cuộc sống sinh hoạt giản dị, mộc mạc của người Mông dưới chân núi.
Ngất ngây với vẻ đẹp ruộng bậc thang Mù Cang Chải
Từ huyện Văn Chấn, tiếp tục theo quốc lộ 32 khoảng 80km, du khách sẽ đến với huyện Mù Cang Chải, nơi có những thửa ruộng bậc thang kỳ vĩ đẹp mê hồn. Người dân Yên Bái vẫn gọi xứ Mù bằng cái tên thân thương là “biển mây Khau Phạ” bởi muốn lên được đến Mù Cang Chải, du khách phải đi qua đèo Khau Phạ cao 2.100m – một trong “Tứ đại đèo” của Việt Nam.
Danh thắng ruộng bậc thang Mù Cang Chải thuộc địa bàn 3 xã La Pán Tẩn, Chế Cu Nha và Dế Xu Phình. Dưới bàn tay lao động cần cù và sáng tạo của đồng bào Mông nơi đây, những thửa ruộng trải dài như những cung đàn, nốt nhạc khắp các sườn núi. Đến Mù Cang Chải vào mùa Xuân, từ trên cao nhìn xuống, du khách sẽ thấy nơi đây khoác lên mình màu áo xanh của lúa mới, của những chồi non xanh biếc giữa chân mây điểm xuyết những bông hoa đào, hoa mận rực rỡ. Nhưng thời điểm ngắm ruộng bậc thang lý tưởng nhất là vào tháng 9, 10 dương lịch – mùa lúa chín. Lúc này, du khách sẽ vô cùng ấn tượng khi trước mắt hiện ra những “mâm xôi vàng” của lúa, từng bậc ruộng nối tiếp nhau đổ từ trên cao xuống như bất tận.
Du khách hãy một lần đến Yên Bái vào những ngày đầu Xuân để được hòa mình với thiên nhiên trời đất, được đắm mình trong bầu không khí lễ hội hay đơn giản chỉ là để cảm nhận sự nồng ấm, mến khách trong những bữa cơm thiết khách của đồng bào các dân tộc địa phương. Đây chính là điểm đến ấn tượng đang chờ đón du khách thưởng ngoạn và khám phá.
Phạm Phương