Sớm đưa Cô Tô thành khu du lịch biển đảo quốc gia
Cập nhật: 19/03/2014
Tỉnh Quảng Ninh đề ra mục tiêu xây dựng huyện đảo Cô Tô trở thành khu du lịch sinh thái-nghỉ dưỡng biển đảo cấp quốc gia; từng bước đưa Cô Tô trở thành một trọng điểm du lịch trong quần thể du lịch Cát Bà-Hạ Long-Vân Đồn-Cô Tô-Móng Cái-Trà Cổ.


Rừng nguyên sinh trên đảo Cô Tô.

Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Cô Tô (Quảng Ninh) Nguyễn Đức Thành cho biết để đạt mục tiêu này, việc làm cấp bách của địa phương sẽ là đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến thu hút đầu tư vào du lịch, lựa chọn các nhà đầu tư có tiềm lực, có kinh nghiệm thực hiện các dự án đầu tư kinh doanh du lịch chất lượng cao.

Theo đó, đến năm 2015, tỉnh sẽ xây dựng hoàn chỉnh các cơ sở hạ tầng thiết yếu, đặc biệt là giao thông kết nối đảo với đất liền chất lượng cao và các công trình cấp điện, cấp nước, bưu chính viễn thông, tạo điều kiện thu hút đầu tư phát triển du lịch. 

Giai đoạn 2015-2020, Cô Tô sẽ tập trung phát triển nhanh và bền vững du lịch theo hướng du lịch sinh thái chất lượng cao , phù hợp với đặc thù của du lịch biển, đảo với đa dạng các loại hình du lịch, thể thao và vui chơi giải trí.

Dự kiến, từ nay đến năm 2020 mỗi năm đảo ngọc này sẽ thu hút khoảng 100 ngàn lượt khách du lịch, trong đó có 5-6 ngàn lượt khách quốc tế. 

Chính quyền huyện Cô Tô đã cố gắng thắt chặt quản lý, nhằm ngăn ngừa không để tình trạng chèo kéo, “chặt chém” khách du lịch xảy ra. Huyện cung cấp thông tin đầy đủ, công khai về giá cả, phương tiện giao thông, giá phòng nghỉ ở từng nhà nghỉ, từng hộ dân, mức giá của từng suất ăn, đồ uống… thông qua tờ rơi “Những điều cần biết về du lịch Cô Tô,” qua cẩm nang “Du lịch Cô Tô” và trên website địa phương coto.gov.vn. 

Cô Tô là vùng biển đảo còn khá hoang sơ, gồm khoảng 50 đảo lớn nhỏ, là một địa điểm du lịch mới hấp dẫn khách du lịch trong những năm gần đây. 

Từ năm 2012, Cô Tô đã đưa một số mô hình du lịch mới vào hoạt động. Đó là du lịch trải nghiệm “Một ngày làm chiến sỹ” và “Hành trình vì biển đảo quê hương” do Đoàn Thanh niên huyện tổ chức để kết hợp và hỗ trợ phát triển mô hình du lịch cộng đồng.

Chính quyền huyện đã vào cuộc tích cực, động viên người dân trên đảo làm du lịch với loại hình homestay; khuyến khích nhân dân tham gia đón khách du lịch về nghỉ ngơi và tham gia sinh hoạt, trải nghiệm cuộc sống ngay tại các gia đình.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Nguyễn Đức Thành cho biết huyện đã hỗ trợ 500 triệu đồng cho 100 gia đình xây dựng nhà vệ sinh khép kín; hỗ trợ 50% lãi suất trên số vốn vay 200 triệu đồng cho mỗi hộ gia đình xây nhà đủ điều kiện đón khách du lịch; hỗ trợ 1 tỷ đồng cho Đoàn Thanh niên huyện để chi phí miễn một lượt vé tàu cao tốc cho các thành viên tham gia “Hành trình vì biển đảo quê hương.”

Đã có trên 70 đoàn tham gia hành trình với gần 5.000 thanh niên được bố trí ở tại nhà dân, được tham gia sinh hoạt, lao động, đánh cá cùng người dân sở tại và tham gia các hoạt động tình nguyện, xã hội tại địa bàn huyện. 

Làm du lịch đã giúp người dân trên đảo ý thức được vấn đề xây dựng văn hóa du lịch. Từ cuối năm 2013, nhiều hộ dân ở Cô Tô đã đầu tư xây dựng nhà ở, nhà hàng, nhà nghỉ với số vốn đầu tư ước tính gần 100 tỷ đồng.

Lượng khách du lịch đến với đảo Cô Tô ngày một đông. Năm 2013, Cô Tô đón 56.000 lượt khách du lịch, tăng gấp 17 lần so với năm 2010. Khách du lịch đến với Cô Tô phần đông là thanh niên, những người ưa thích khám phá và có mức chi tiêu du lịch trung bình.

Hạ tầng cơ sở của huyện đảo nay được cải thiện nhiều. Mỗi ngày có 4 tàu cao tốc hoạt động từ đất liền ở Vân Đồn ra đảo với thời gian di chuyển được rút ngắn, còn từ 60 đến 90 phút. 

Năm 2012, Cô Tô đã phủ sóng internet không dây trên toàn đảo và hoàn thành việc xây dựng hồ chứa Trường Xuân quy mô 170.000 m3, đủ cung cấp nước sạch đến từng hộ dân và phục vụ du lịch. 

Hệ thống hồ chứa nước tiếp tục được huyện đầu tư xây mới ở các đảo nhỏ khác. Cuối năm 2013, Cô Tô đã có điện lưới quốc gia nhờ đường điện xuyên biển có mức đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ du lịch trên đảo. 

Huyện cũng mở các lớp trung cấp công nghệ thông tin, tiếng Anh, tiếng Trung, nghiệp vụ nấu ăn, cử gần 30 người đi đào tạo trung cấp, cao đẳng nghề du lịch và xúc tiến phối hợp mở lớp trung cấp nghề du lịch ngay trên địa bàn huyện. 

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Cô Tô Nguyễn Đức Thành cho hay để Cô Tô thực sự trở thành khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng cao cấp thì việc quan trọng nhất là phải bảo vệ môi trường tự nhiên.

Ý thức được điều này, người dân trên đảo đã hạn chế việc chặt phá rừng, chuyển từ đun nấu bằng củi sang sử dụng gas, điện, than bùn… Mỗi năm ngân sách huyện hỗ trợ trên 1 tỷ đồng để bù cước vận chuyển than cho nhân dân. 

Chính quyền và các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm việc khai thác rong, khai thác cây cảnh, chặt phá rừng, sử dụng mìn, hóa chất khai thác hải sản. 

Quảng Ninh đang tập trung đầu tư xây dựng hoàn thiện hạ tầng cơ sở, thúc đẩy hoàn thành mục tiêu biến đảo tiền tiêu Cô Tô sớm trở thành trung tâm du lịch lớn của tỉnh, góp phần phát triển biển, đảo bền vững vùng biển phía Đông Bắc của Tổ quốc./.
TTXVN